QĐND - Đến cuối năm 1964, đầu năm 1965, lực lượng của ta trên chiến trường miền Nam đã khá lớn mạnh. Trên chiến trường lúc này có cả bộ đội chủ lực được xây dựng từ lực lượng tại chỗ, cả bộ đội chủ lực cơ động từ miền Bắc vào. Lực lượng dân quân du kích cũng phát triển mạnh và đã được tôi luyện qua thực tiễn chiến đấu nên rất gan dạ, dũng cảm, chiến đấu mưu trí, chủ động kéo giãn chủ lực địch ra khắp chiến trường để tiêu diệt. Nhân dân miền Nam sau những năm tháng sống dưới ách kìm kẹp của Mỹ-ngụy đã nhận rõ bộ mặt thật của chính quyền Việt Nam Cộng hòa khiến mối bất đồng ngày càng sâu sắc. Nhân dân khắp miền Nam liên tục tham gia đấu tranh trực diện với địch, phá ấp chiến lược, phản đối các chính sách kìm kẹp của Mỹ-ngụy, tích cực ủng hộ cách mạng.

Về phía địch, tuy được sự hậu thuẫn tích cực của đế quốc Mỹ cả về người và vũ khí, nhưng chúng ỷ lại vào vũ khí và mất ổn định nghiêm trọng về chính trị do những cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực từ tầng lớp chóp bu. Các cuộc hành quân, các chiến thuật của địch phần lớn bị ta đánh bại, điển hình trong thời kỳ này là chiến thuật “trực thăng vận, thiết xa vận”. Các chính sách địch đem ra áp dụng đều bị nhân dân phản đối, nên không hiệu quả, dẫn đến bị động cả về chiến thuật và chiến lược. Đến cuối năm 1964, đầu năm 1965, ta mở một số chiến dịch cấp trung đoàn, đánh tiêu diệt cấp tiểu đoàn địch và đã giành thắng lợi như: Chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài. Trên các địa bàn khác như: Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Khánh Hòa v.v.. cũng mở hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ nhằm vào quân ngụy và cố vấn quân sự Mỹ khiến địch càng thêm lúng túng. Sau Chiến dịch Bình Giã, Trung ương Đảng nhận định: “Sau trận Ấp Bắc (1-1963), Mỹ đã nhận thấy không thể thắng được ta. Sau Chiến dịch Bình Giã, Mỹ lại nhận thấy có thể thua ta…”. Đây là một nhận định hoàn toàn chính xác, bởi ở thời điểm đó, ta đã giải phóng hàng triệu dân, có nhiều huyện được giải phóng toàn bộ, hàng nghìn “ấp chiến lược” của địch bị phá hoàn toàn. Sau này, khi công bố tài liệu mật về cuộc chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ cũng thừa nhận về thời kỳ 1964-1965 tình trạng của Mỹ-ngụy như sau: “…đang chơi một ván bài thua” ở Việt Nam vì “Việt Cộng chiếm được nhiều quá đến nỗi một lần nữa chúng ta lại đứng trước nguy cơ nước này bị cắt ra làm đôi bởi một mũi dùi của Việt Cộng thọc ra đến tận biển”.

Như vậy có thể thấy, cái “xương sống” của “chiến tranh đặc biệt” là “ấp chiến lược” đã bị bẻ gãy; con át chủ bài của “chiến tranh đặc biệt” là Quân đội Việt Nam Cộng hòa thì rệu rã, không đủ khả năng giành giữ địa bàn với lực lượng vũ trang miền Nam, nên việc thất bại của Mỹ-ngụy trong “chiến tranh đặc biệt” là đương nhiên. Để cứu sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Mỹ dựng nên, ngày 20-1-1965, trong thông điệp nhậm chức Tổng thống Mỹ, Giôn-xơn tuyên bố: “Mỹ phải có hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của Quân đội Việt Nam Cộng hòa và chính quyền miền Nam, giữ vững Nam Việt Nam”. Tuyên bố của Tổng thống Giôn-xơn đã mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất bằng không quân và cũng là sự mở đầu để đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam, bắt đầu cho một chiến lược chiến tranh mới đó là “chiến tranh cục bộ”.

TRẦN KIM HÀ