QĐND Online - “Anh hùng trong chiến đấu, giấu mình tỉnh queo khi hoạt động trong lòng địch…” là những gì mà chúng tôi thường được nghe đồng đội cùng thời kể về ông – Đại tá tình báo Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh), Cụm trưởng Cụm H67 thuộc Phòng Tình báo B2 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
 |
Anh hùng LLVT nhân dân Lê Văn Vĩnh
|
Đại tá Lê Văn Vĩnh, người dân tộc Kinh, sinh năm 1926, quê xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Ông sớm bén duyên với nghề tình báo vì ngay sau khi nhập ngũ (tháng 9-1945), ông được biên chế vào đội biệt động làm nhiệm vụ diệt ác, trừ gian. Bị địch bắt, tra khảo, ông một mực không khai báo, chúng buộc phải thả, ông trở về đơn vị tiếp tục nhiệm vụ... Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông cùng nhiều đồng đội được lệnh tập kết ra Bắc, rồi được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1. Ra trường, ông được phân công làm công tác trinh sát cho một đơn vị pháo binh.
Năm 1962, trước yêu cầu mới của tình hình cách mạng, Bảy Vĩnh được phân công trở lại chiến trường miền Nam, tham gia xây dựng đường dây giao thông tình báo từ vùng giải phóng vào nội thành (Cụm 67). Địa bàn của Cụm đứng chân luôn bị địch càn quét, máy bay đánh phá có ngày 20 lần, ông đã chỉ huy đơn vị chiến đấu bám trụ thắng lợi. Có lần bị thương, ông vẫn không rời vị trí, cùng 5 đồng chí liên tục 2 ngày đêm đánh địch. Lần khác, đơn vị bị một tiểu đoàn lính Mỹ đến càn trong khi chỉ có 8 đồng chí ở nhà. Bảy Vĩnh đã bình tĩnh chỉ huy các đồng chí còn lại bám trụ chiến đấu, tiêu diệt 30 tên địch và 3 xe bọc thép. Dũng cảm, mưu trí, khôn khéo, Lê Văn Vĩnh sống hợp pháp ở ngay những khu vực có địch để nắm tình hình kịp thời; nhiều lần đột nhập vào những cơ quan đầu não của địch như Bộ Quốc phòng, Tổng Nha cảnh sát, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, lấy được nhiều tài liệu quan trọng, báo cáo cho trên kịp thời, chính xác...
Trong cuộc đấu tranh cam go giữa lòng địch, ngoài việc chỉ huy đơn vị xây dựng thành công một cụm điệp báo hoàn chỉnh (H67), gồm lưới, giao thông, căn cứ; tổ chức đánh địch, chống càn; nổi tiếng là người chỉ huy gan góc, mưu trí, táo bạo; Lê Văn Vĩnh đã cùng với cơ sở điệp báo chiến lược làm bình phong, điều tra tỉ mỉ tiểu khu Phước Long và chi khu Phước Bình trong tháng 7-1967, phục vụ kịp thời chiến dịch tiêu diệt chi khu Phước Bình để thu hút địch, mở đầu cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Hình thức kết hợp giữa cán bộ có trình độ quân sự tốt, có bản lĩnh vững vàng, mưu trí và linh hoạt như Bảy Vĩnh với cơ sở tình báo vững và khôn khéo làm bình phong, đã trở thành một phương thức sáng tạo trong công tác chuẩn bị chiến trường có hiệu quả cao của Tình báo Miền.
Chuẩn bị cho Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, ngoài nhiệm vụ đưa đón cán bộ ra vào thành phố nghiên cứu tình hình, ông còn đột nhập vào Tổng Nha cảnh sát ngụy, Nha cảnh sát Đô thành... lấy được nhiều tài liệu quan trọng, đáp ứng yêu cầu của trên. Sau Tổng tiến công Mậu Thân 1968, địch phản kích quyết liệt gây cho ta nhiều khó khăn. Đơn vị mất liên lạc với trên, cạn nguồn tiếp tế, ông đã kiên quyết lãnh đạo anh em bám trụ đến cùng. Để có vũ khí chiến đấu, ông cùng đồng đội đi tìm bãi mìn của Mỹ để tháo gỡ lấy thuốc nổ và kíp mìn… Sau một tháng chiến đấu bằng vũ khí tự tạo, đơn vị đã diệt 11 xe bọc thép của địch.
Trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, đơn vị của đồng chí Bảy Vĩnh được Chỉ huy Đoàn 22 (Tình báo Miền) giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, điện đài cất giấu vào nội đô để tăng cường lực lượng, phối hợp đánh vào những mục tiêu quan trọng của địch. Chiều 29 Tết năm 1968, chiếc xe ô tô hiệu Đa-su chở đầy ắp rau xanh trong đó cất giấu vũ khí, đạn dược rời An Tịnh hướng về Sài Gòn nhộn nhịp. Bảy Vĩnh cùng chiến sĩ giao liên Võ Trung Tuyến đi honda 67 bám theo sát đằng sau, vượt qua các trạm kiểm soát của địch một cách khá suôn sẻ. Đến trạm kiểm soát Xuân Thới Thượng, nơi thường bị kiểm tra gắt gao, một tên lính ngụy chặn chiếc xe và hỏi: “Tết nhứt đến nơi rồi, còn bán rau cho ai mà chở dữ vậy ?”. Người lái xe lễ phép đáp: “Dạ, hôm nay 29 nên người ta mua nhiều chuẩn bị cho Tết. Hôm nay mới trúng khách”. Thế là chiếc xe chở đầy vũ khí, điện đài do Ba Lễ chỉ huy đã lọt vô Sài Gòn.
Điểm tập kết vũ khí là một nơi mà có lẽ kẻ địch không bao giờ ngờ tới - đó là nhà riêng của “ông dân biểu” Ba Lễ trên đường Triệu Đà. Khi nhận nhiệm vụ tổ chức giao, Ba Lễ đã khéo léo bố trí cho vợ con đi nghỉ tết ở Vũng Tàu. Một mình ông ở lại, vẫn đàng hoàng lái xe đi làm, họp hành như thường lệ.
 |
Đồng chí Bảy Vĩnh (bên phải) cùng đồng đội giấu vũ khí, điện đài ngay trong nhà ông dân biểu Ba Lễ (sài Gòn) chuẩn bị cho Tổng tiến công Mậu Thân 1968 (ảnh chụp lại)
|
Sáng Mồng một tết, Ba Lễ đi chúc tết. Bảy Vĩnh và các đồng chí trong đội công tác ở lại trong nhà Ba Lễ, cất giấu vũ khí vào nơi an toàn. Xung quanh ngôi nhà dày đặc bọn cảnh sát dã chiến, biệt động, dân vệ đi lùng sục. Mấy anh em vẫn ở yên trên tầng lầu, giữ bí mật, an toàn kho vũ khí cũng như ngôi nhà của Ba Lễ để hoạt động lâu dài.
Sáng mồng 3 tết Mậu Thân, bọn địch bất ngờ gõ cửa nhà Ba Lễ. Trong nhà lúc đó, ngoài tổ của Bảy Vĩnh còn có người em rể của Ba Lễ là trung uý, bác sĩ quân y của ngụy, có tên Tám Hòa, cũng là một cơ sở của ta trong lòng địch. Bảy Vĩnh và Tám Hòa bình tĩnh tiếp đón mấy tên ngụy. Giữa phòng khách của ông dân biểu Ba Lễ là một cành mai rất đẹp được trang trí bằng những tấm thiếp chúc tết của Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu và nhiều quan chức có máu mặt của chính quyền Sài Gòn. Bọn địch ra lệnh khám xét ngôi nhà, nhưng khi biết đây là nhà dân biểu, lại nhìn thấy mấy tấm thiếp, chúng đổi ý, chỉ kiểm tra giấy tờ. Bảy Vĩnh lúc này trong vai người nhà đến chúc tết Ba Lễ, Võ Trung Tuyến xưng là người làm công cho gia đình ông dân biểu. Bọn lính ngụy dù khám xét rất kỹ nhưng cuối cùng không làm gì được, nhóm của Ba Lễ vẫn trụ lại Sài Gòn an toàn.
Kho vũ khí, điện đài được bảo vệ an toàn trong nhà Ba Lễ và sau này phát huy tác dụng to lớn trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong chiến dịch lịch sử này, Lê Văn Vĩnh nhiều lần ra vào thành phố nghiên cứu các mục tiêu quan trọng, có nhiều sáng kiến chuyển vũ khí và đưa lực lượng lót sẵn trong nội thành. Ông đã chỉ huy một tổ đột nhập vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy, tạo điều kiện cho đơn vị bạn tiến công làm chủ hoàn toàn mục tiêu.
Đại tá Lê Văn Vĩnh ba lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngày 6-11-1978. Ông từ trần ngày 8-10-2008 trong niềm tiếc thương của gia đình, đồng đội; để lại những câu chuyện cảm động, đáng khâm phục về một chiến sĩ tình báo quả cảm. Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Bài và ảnh: TRẦN XUÂN – NGUYỄN HƯƠNG