QĐND - Sau 40 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, tìm về những con người từng gắn bó với 6 bảo vật quốc gia thời chiến, chúng tôi có thêm nhiều thông tin, hiểu biết thú vị về họ. Có một điểm chung trong những con người ấy: Dù là tướng lĩnh, anh hùng hay chỉ là binh nhất, binh nhì, dù họ là những nhân chứng lập nên chiến công vang dội, để lại dấu ấn lịch sử khó phai và là “linh hồn” của các bảo vật quốc gia, song họ vẫn tươi nguyên một ký ức đẹp đẽ: Chiến công của mình thuộc về Tổ quốc, về nhân dân!
Chuyện của những “phi công mặt đất”
Khi tìm hiểu về cặp đôi máy bay MiG 5121 và MiG 4324-hai trong số 6 bảo vật quốc gia, chúng tôi cho rằng, danh hiệu này có công đóng góp rất lớn của những người thợ máy. Vì căn cứ vào biên chế và nhiệm vụ, các tổ thợ kỹ thuật được giao việc chăm sóc, bảo dưỡng cho từng chiếc máy bay, họ có thời gian “ở cùng” máy bay nhiều hơn những phi công.
 |
Đại tá Võ Duy Cư (thứ hai, từ phải sang) cùng cán bộ Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật hàng không trong ngày lễ đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Ảnh: PV
|
Có câu chuyện khá thú vị về chiếc máy bay MiG 4324 được Đại tá Võ Duy Cư, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật hàng không (BĐKTHK), kể lại với chúng tôi: “Chiếc máy bay 4324 từng bị thương rất nặng, tôi leo lên cánh thấy nó bị trúng bao nhiêu vết đạn, tuy vậy động cơ máy bay không hề hấn gì. Đồng chí chuyên gia Liên Xô cố vấn cho tôi nói rằng, chiếc máy bay này không thể sửa được, tôi nói lại: Đúng, theo lý thuyết thì không thể sửa được, nhưng do yêu cầu chiến đấu nên chúng tôi phải sửa. Cho đến khi chúng tôi sửa, bay thử về rồi, các đồng chí chuyên gia khen chúng tôi: Các bạn Việt Nam sửa máy bay cừ khôi thật. Ở Liên Xô chưa có trường hợp nào như vậy”.
Trong những ngày nóng bỏng của cuộc chiến trên không, Đại tá Võ Duy Cư đã họp Đảng ủy tiểu đoàn và quyết định thay cánh máy bay MiG 4324. Thời điểm đó, trong tiểu đoàn và cả trung đoàn có nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy là quá mạo hiểm, nhưng ông đã thuyết phục họ, nhấn mạnh nếu không làm như thế thì không có máy bay chiến đấu. Ông đã lấy “sinh mạng chính trị” của mình để cam kết bảo đảm sửa chữa máy bay an toàn tuyệt đối. Tuy vậy, nhiều phi công không tránh khỏi tâm lý e ngại, phân vân khi bay trên một chiếc phi cơ đã thay một cánh. Cuối cùng, đồng chí Trung tá Trần Hanh, cán bộ chỉ huy Trung đoàn 921 đã cử phi công Lâm Văn Lích bay thử, kiểm tra kỹ thuật trên thực tế chiến đấu. Chuyến bay thành công, chiếc MiG 4324 thoát khỏi “số phận” bị đem đi hủy, tiếp tục cất cánh và đã lập nên nhiều chiến công ngay sau đó.
Đại tá Võ Duy Cư quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, nhập ngũ năm 1950, chiến đấu chống thực dân Pháp tại Chiến trường Tây Nguyên. Ông được chọn đi học phi công từ Sư đoàn 305, thời gian đầu học lý thuyết bay tại Liên Xô, sau đó về Trung Quốc học. Ngày 3-2-1964, Trung đoàn 921 được thành lập tại Mông Tự (Trung Quốc), Võ Văn Cư được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội BĐKTHK-nay là Tiểu đoàn BĐKTHK. Mới đây, ông vừa được quê hương mời về dự kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Ngãi. Suốt cuộc đời gắn bó với quân đội, Đại tá Võ Duy Cư luôn được đồng đội tin yêu, nhiều thế hệ phi công trìu mến gọi ông là “Bà đỡ của những chiếc MiG”. Ông chia sẻ với chúng tôi, niềm tự hào đó không phải của riêng mình, mà của tất cả những người thợ máy trong Tiểu đoàn BĐKTHK. Danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân mà Đảng, Nhà nước vừa phong tặng tiểu đoàn đã minh chứng điều đó.
Tướng tài ba, quân trung nghĩa
Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ công tác trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn không thể nào quên hình ảnh của một vị Đại tướng vừa tài năng, mưu trí, vừa gần gũi, thương yêu cấp dưới. Đại tá Nguyễn Hoàng Vị, nguyên Trợ lý Tác chiến Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, là một trong số những người như thế.
Đại tá Nguyễn Hoàng Vị kể: “Đại tướng Văn Tiến Dũng trong sinh hoạt luôn là một người chỉn chu về tác phong, gọn gàng, ngăn nắp trong sắp xếp tài liệu, hồ sơ và công việc. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh của Đại tướng trong những ngày đêm chỉnh sửa, phê duyệt Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh; nhớ hình ảnh của ông trong những ngày diễn ra chiến dịch rất hăng say trong công việc, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với những diễn biến, tình huống xảy ra trên các mũi tiến công của quân ta khi tiến vào giải phóng Sài Gòn”.
Suốt 15 năm trời, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã giữ gìn tấm bản đồ này như một tài liệu đặc biệt. Chúng tôi đến thăm gia đình của Đại tướng để hỏi thêm về những tình cảm, kỷ niệm mà ông đã dành cho kỷ vật này. Bà Văn Tuyết Mai, con gái Đại tướng Văn Tiến Dũng, tâm sự: “Bố tôi là một người cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Mọi tài liệu của ông đều được cất giữ một cách khoa học và nguyên tắc. Thời gian sau giải phóng miền Nam, tập hồ sơ, tài liệu được ông lưu giữ rất cẩn thận trong tủ riêng. Tôi chưa từng được thấy tấm bản đồ này bao giờ, mà thay vào đó là tấm bản đồ quyết tâm bảo vệ biên giới phía Bắc. Tấm bản đồ này ông để dưới tấm kính bàn làm việc của mình”.
Đại tướng Văn Tiến Dũng tặng tấm Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) năm 1990. Trong hồ sơ của bảo tàng còn ghi: Tấm bản đồ có hiện trạng đã sờn một số đường gấp và rách một số chỗ. Điều đó cho thấy người sở hữu tấm bản đồ đã gập, giở đi giở lại nhiều lần, làm rõ thêm nhận định những phác họa về đường hướng tấn công của quân ta đã được người chỉ huy chiến dịch cân nhắc một cách kỹ lưỡng và thấu đáo. Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh là tài liệu quý của chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng có quy mô lớn nhất của Quân đội ta trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch này đã huy động sức chiến đấu của 5 quân đoàn với quy mô hàng vạn binh sĩ thuộc tất cả các quân, binh chủng và hàng vạn nhân dân nổi dậy chống lại chính phủ bù nhìn của đế quốc. Đó là kết tinh của thành quả lao động tập trung, sáng tạo của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị trong việc giải quyết vấn đề tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa các hướng tiến công, kế hoạch bảo đảm các hướng, các quân khu, các binh đoàn, các quân chủng và binh chủng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quyết tâm đó đã “định đoạt” số phận của bọn tay sai bán nước và đế quốc Mỹ xâm lược.
Hiểu rõ chân dung vị Đại tướng Văn Tiến Dũng đáng kính, chúng tôi đã lý giải được điều mà nhiều người băn khoăn bấy lâu, đó là tại sao trong trận đánh “sạch không kình ngạc” ấy, ta vẫn giữ được vẹn nguyên thành phố, giữ được sinh mạng hàng vạn binh sĩ của cả hai bên chiến tuyến. Bởi Đại tướng luôn đau đáu lời Bác dạy: Binh sĩ địch cũng là con dân nước Việt, do dại dột mà lầm đường lạc lối. Bởi Đại tướng đã thấy xa trông rộng, đánh giặc hôm nay nhưng đã hoạch định cả tương lai, để nhân dân bớt khổ đau, tài sản không mất mát…
Câu chuyện của Đại tá Nguyễn Hoàng Vị đã cho chúng tôi hiểu thêm về cử chỉ ân nghĩa của người chiến sĩ cách mạng. Mấy chục năm qua, vào ngày Chiến thắng 30-4, ông lặng lẽ thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên, tạ ơn vong linh của những người đồng đội đã hy sinh vì nghĩa lớn. Chúng tôi cũng rưng rưng khi ông rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào: “Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội vì còn sống và được hưởng thành quả hòa bình của đất nước hôm nay. Còn nhiều đồng đội tôi vẫn nằm rải rác ở rừng sâu, núi thẳm. Vẫn biết nằm đâu cũng là Tổ quốc, nhưng giá như ai cũng được trở về quê hương đất mẹ thì sẽ phần nào làm nguôi ngoai nỗi đau những người thân của họ”.
“Chiến công này là của đồng đội tôi, dân tộc tôi!”
Chuyện ít biết ở một làng quê xứ Đông vùng Đồng bằng Bắc Bộ, có người chiến sĩ Vũ Đăng Toàn, nhập ngũ từ năm 17 tuổi và trở thành lính xe tăng. Đất nước hòa bình thống nhất, súng gươm gác lại, anh trở về quê “làm bạn” với đàn lợn, đàn gà, bình dị như bao người nông dân thuần Việt khác. Năm 1995, có một nữ nhà báo người Pháp tên là F.Mun-đơ (Francoise De Mulder) đã tìm lại người chiến sĩ năm xưa trao tặng bức ảnh anh cùng đồng đội của mình húc đổ cổng dinh Độc Lập, xông lên bắt Tổng thống Dương Văn Minh của chính quyền Sài Gòn trong ngày 30-4-1975. Cha mẹ anh lúc đó mới biết, bà con hàng xóm bấy giờ mới biết con mình, người làng mình là nhân chứng của một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng của đất nước. Nhưng lúc ấy, anh Toàn giản dị nói với cha mẹ: “Con làm được việc đó là nhờ có bao nhiêu đồng đội đã hy sinh. Con nghĩ chiến công này là của đồng đội con, của cả dân tộc ta”.
Tuy vậy, câu chuyện của CCB Vũ Đăng Toàn từng là “tâm điểm” của dư luận, song ông vẫn bình tĩnh, tỉnh táo, không "công thần", không làm phai nhạt danh dự của người chiến sĩ cách mạng-Bộ đội cụ Hồ. “Chiến công này là của đồng đội tôi, dân tộc tôi!”-ông nhiều lần khảng khái nhắc lại như thế khi trả lời phỏng vấn báo chí về chiến công năm xưa. Ông hiểu cái giá phải trả cho hòa bình, thống nhất hôm nay được đánh đổi bằng bao xương máu của đồng đội, đồng bào mình. Ông và kíp chiến đấu trên chiếc xe tăng 390, cùng với kíp xe tăng 843 chỉ làm nốt phần việc còn lại-báo hiệu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 21 năm trời của dân tộc ta đã kết thúc vẻ vang.
Trò chuyện với chúng tôi sau 40 năm “được sống trong thời khắc huy hoàng của lịch sử”, một lần nữa, CCB Vũ Đăng Toàn nhấn mạnh: “Kíp xe tăng 390 chỉ là những người may mắn của lịch sử. Tất cả những đồng đội tôi, tất cả quân dân ta mới là chủ nhân đích thực của lịch sử trong ngày Chiến thắng vĩ đại 30-4-1975”.
|
Trong dịp này, chúng tôi cũng gặp lại bà Nguyễn Thị Đót, người bạn đời của Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận năm xưa. Bà đã bày tỏ biết ơn về sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước khi chồng bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Bà xúc động nói: “Thay mặt chồng, tôi trân trọng cảm ơn những đồng đội của anh, những người đã hy sinh thân mình, những người đã lập chiến công và những người đã giúp chồng tôi có được danh hiệu cao quý này!”.
Chúng tôi tin rằng ở nơi chín suối, Anh hùng Bùi Quang Thận rất thanh thản vì những lời sẻ chia chân thành của người bạn đời. Bởi ông, một cán bộ chỉ huy dũng cảm, một người lính xe tăng can trường luôn biết đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng đồng đội, thì không bao giờ nhận lấy vinh dự ấy là của riêng mình!
Ký sự của VĂN HẢI, ĐÔNG HÀ
Bài 1: Hai “én bạc” làm chao đảo không quân Mỹ
Bài 2: Cuốn sổ trực ban, tấm bản đồ ghi dấu ấn lịch sử
Bài 3: Cặp đôi xe tăng bất tử cùng thời gian
Bài 5: Giữ “hào quang lịch sử” cho nghìn năm sau