QĐND - Ba mươi lăm năm, thời gian trôi đi như chớp mắt. Ngày ấy chúng tôi - những chàng trai mới 21, 22 tuổi, chưa từng có những chuyến đi xa như thế bao giờ. Chúng tôi được đi “khẩn cấp” bằng đường hàng không trên chuyến bay AH 24B số hiệu VN 230B từ Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) vào Trà Nóc (Cần Thơ) rồi cơ động bằng ô tô sang nước bạn. Sở dĩ đi khẩn cấp là vì đội hình Quân đoàn 2 đã ở mặt trận chiến đấu rồi, chúng tôi vừa mới rời Trường Sĩ quan Chính trị, được bổ sung về quân đoàn nên mới được ưu tiên đi bằng máy bay như vậy. Qua Ba Chúc (An Giang), mùi thuốc súng dường như chưa tan hẳn. Trên những bức tường còn sót lại ở chùa Ba Chúc, những vết máu thâm đen in trên tường cao hàng mét đến rợn người. Những giếng nước trong khuôn viên chùa đầy ắp nước nhưng không sử dụng được, bởi lính Pôn Pốt đã chặt đầu, ném xác những người dân vô tội xuống đây. Qua kênh Vĩnh Tế, nhìn những cánh đồng hoang trắng xóa, không một bóng người, thỉnh thoảng còn những bộ xương người nằm rải rác. Đã hơn 12 giờ trưa ngày 2-1-1979, xe đi từ sáng chưa nghỉ, Trung tá Nguyễn Văn Tăng, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn thông báo đã sang đất bạn hơn 7 cây số và cho phép đội hình hành quân dừng lại ăn trưa tại chỗ. Mỗi người có một chiếc bánh mì đã khô cứng và ít nước trong bi-đông cá nhân. Cánh lính trẻ chúng tôi ào xuống, tranh thủ tìm chỗ rửa tay, chân. Mấy đứa chạy ra ven đường, phát hiện ra một hố sâu có ít nước giữa đám lau cỏ um tùm. Mải tranh nhau đứa nào cũng muốn xuống trước nên cả đám bị trượt xuống gần đáy hố. Một cảnh tượng kinh hoàng làm chúng tôi đứng như trời trồng, những mảng đất, cát bong theo vệt giày trượt xuống, lộ ra nhiều xương, thịt người chưa tróc hết. Chúng tôi hét lên, vụt chạy khỏi miệng hố. Cảnh tượng về đất nước Cam-pu-chia với tôi ban đầu là như thế!

Cảng Xi-ha-núc-vin, điểm du lịch hấp dẫn của Cam-pu-chia. Ảnh tư liệu

Tôi còn nhớ, cái đêm nhóm chúng tôi nằm ở Ki-ni-vông (Túc-mía) để sáng hôm sau đi tiếp. Xung quanh các đơn vị và cơ quan chính trị sư đoàn đã rút về phía cảng Công-pông-som. Đêm vắng lặng đến không ngờ. Chúng tôi phân công nhau cảnh giới. Một đồng đội tên là An quê ở Ninh Bình ngồi trong công sự cá nhân còn cẩn thận cầm trong tay quả lựu đạn mỏ vịt với 2 băng đạn AK. Anh bảo, nếu lính Pôn Pốt đến, sẽ chiến đấu hết 2 băng đạn và quả lựu đạn sẽ dành riêng cho mình. Thế mà đêm ấy, lính Pôn Pốt mò đến thật, đến cũng nhanh và rút cũng nhanh. Chúng đến để tìm gạo. Thực ra, khi bọn chúng tới chúng tôi không phải không biết, nhưng anh em có 12 người, chưa rõ tình hình địch thế nào nên chưa nổ súng.

Sáng hôm sau, cả đoàn chờ xe hành quân về phía cảng Công-pông-som. Qua ngã ba Công-pông-trạch, chúng tôi có một đêm ngủ “để đời”. Ấy là lúc nhá nhem tối, chúng tôi tìm được căn nhà bỏ hoang 2 tầng ngay ngã ba đường. Bên cạnh đó có một cánh đồng bí ngô. Đã mấy tuần không có ngọn rau nào vào bụng, thế là chúng tôi đánh liều vào hái một ít rồi nấu với mì ăn liền bằng hăng-gô. Cả nhóm xì xụp ăn, ai cũng thấy ngon. Trên nhà có ba, bốn chiếc giường còn khá chắc chắn và có cả chiếu trải sẵn. Mấy anh em thấy thế lăn ra ngủ vì cả tuần nằm võng, xem ra khoan khoái lắm! Anh Hữu (sau này về Tổng cục Hậu cần, nay cũng đã nghỉ hưu) bảo tôi: “Giường lâu ngày không có người nằm, khéo đầy rệp đấy ông ạ!”. Nghe thấy thế, tôi và anh Hữu liền trải ni-lông ra đất nằm ngủ. Vậy mà sáng dậy, hai anh em lại an toàn nhất vì mấy anh nằm trên giường đã bị lũ rệp cắn khắp người. Chưa hết, chúng tôi ra cái ao nhỏ múc nước rửa mặt, nhìn những vết máu và thi thể người chưa rã hết bên mép nước, bấy giờ mới thấy rợn người vì bữa mì tối qua, anh em đã múc nước từ ao này để nấu ăn.

Sau khi thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng (7-1-1979), Sư đoàn 304 ở lại khu vực cảng Công-pông-som làm nhiệm vụ. Một bộ phận của sư đoàn đảm nhiệm Ban quân quản do Trung tá Hoàng Văn Chính, Phó tư lệnh sư đoàn làm Chủ tịch (sau này là Đại tá, Chỉ huy trưởng tỉnh đội Hà Bắc, đại biểu Quốc hội-đã mất). Hằng ngày, ngoài việc cùng các anh Hùng (quê ở Thanh Hóa), anh Toán (Hải Dương) đi kiểm tra, bảo vệ các kho tàng mà sư đoàn quản lý để trao trả bạn, tôi còn được giao nhiệm vụ lấy sơn kẻ vẽ các khẩu hiệu treo ở các công sở, doanh trại các đơn vị và cả ngoài đường bằng chữ Cam-pu-chia. Khổ nỗi, tôi chỉ bập bẹ được mấy câu xã giao, còn chữ thì chịu. Rất may, anh Bùi Thiện Chinh, Trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn (sau này là Phó cục trưởng Cục tư tưởng-Văn hóa TCCT- nay là Cục Tuyên huấn), dẫn về hai người vốn là thầy giáo dạy học của bạn để cùng tham gia. Hai thầy giáo tên là Sờ-vai và Pòn-ti cùng một đội viên nữ tên là Ka-hai, viết chữ Cam-pu-chia, tôi theo đó mà viết ra to hơn. Hôm nào không viết, chúng tôi lại may cờ của bạn (lúc đó là cờ màu đỏ, ở giữa có 5 ngọn tháp vàng) rồi đem treo ở những nơi đã treo khẩu hiệu. Nội dung khẩu hiệu tôi được hiểu là kêu gọi binh lính Pôn Pốt quay về với nhân dân và Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Cam-pu-chia; kêu gọi nhân dân đoàn kết xung quanh Mặt trận để xây dựng đất nước Cam-pu-chia hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ.

Ở cảng Công-pông-som, chúng tôi có nhiều đêm không ngủ, trong đó có đêm Giao thừa Tết Kỷ Mùi (1979). Chúng tôi ngồi nghe Bác Tôn chúc Tết mà lòng nhớ nhà, nhớ quê hương, bè bạn da diết! Tôi nao nao trong lòng vì giờ này ở quê, chắc mẹ tôi buồn lắm, một mình lủi thủi giữa mấy gian nhà trống vắng. Bố mất sớm, mấy chị em tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả… Nhưng có một đêm mấy anh em chúng tôi không ngủ thực sự, đó là đêm 17-2 khi buổi thời sự 21 giờ 30 phút của Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, tôi lại càng bàng hoàng vì gia đình chị và em gái đang ở vùng chiến sự Cam Đường (Lào Cai). Khoảng 22 giờ, chúng tôi được trên thông báo, phía bắc-tây bắc đảo Dừa có một số tàu lạ, cả đơn vị lao vào vị trí chiến đấu. Chúng tôi ôm chặt súng thức trắng đêm trong tiếng pháo 130mm ùng oàng bắn cầm canh ra biển…

Cứ ngỡ sẽ ở lại đất nước Chùa Tháp lâu hơn. Đùng một cái, chúng tôi nhận lệnh hành quân gấp về Việt Nam và ra Bắc. Cuộc chia tay thật bịn rịn, nhất là mấy người bạn đã cùng tôi viết khẩu hiệu, may cờ. Tôi nhớ như in những cánh tay của các bạn, của người dân Cam-pu-chia vẫy mãi và cả những giọt lệ trên má tiễn chúng tôi ở Prây-núp ngày 4-3-1979.

Gần chục năm sau (1987), tôi được sang thủ đô Phnôm Pênh, được đi thăm chùa Vàng và nhà tù Tuôl Sleng, lúc ấy cả ta và bạn kinh tế còn đang khó khăn do bao vây, cấm vận từ bên ngoài, nhưng những gương mặt người dân vẫn toát lên vẻ cương nghị, tin chắc sẽ vượt qua khó khăn xây dựng cuộc sống mới.

Tháng 4-2011, tôi được Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân giao nhiệm vụ đi cùng một số báo, đài tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sang thăm, làm việc tại Cam-pu-chia và đồng chủ trì Hội nghị xúc tiến Đầu tư Việt Nam - Cam-pu-chia lần thứ hai. Trước giờ bay, tôi gặp Đại tá Say-sô Van, Tùy viên quân sự và cố vấn quân đội bên cạnh Đại sứ quán Vương quốc Cam-pu-chia tại Việt Nam ở Sân bay Nội Bài. Qua trò chuyện, biết tôi đã từng ở đất nước Chùa Tháp những năm tháng bạn đang còn khó khăn, Đại tá Say-so Van và tôi nói chuyện như những người thân lâu ngày gặp lại.

Chuyến đi tuy ngắn ngủi, nhưng đối với tôi sau hơn 20 năm trở lại, được chứng kiến sự thay đổi thần kỳ trên đất nước Chùa Tháp.Thật vui mừng, quan hệ hai nước anh em ngày càng gắn bó. Đặc biệt là phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã có 126 dự án đầu tư tại Cam-pu-chia với tổng số vốn hơn 3 tỷ USD, đứng thứ 5 trong tốp những nhà đầu tư lớn tại đây. Do những thuận lợi về quan hệ hữu nghị truyền thống cũng như về mặt địa lý, những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, sang tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Cam-pu-chia, đặc biệt là các lĩnh vực du lịch, tài chính, ngân hàng, thương mại, viễn thông, trồng cao su, nông nghiệp, khai thác khoáng sản… Trong số các nhà đầu tư của Việt Nam vào Cam-pu-chia, có nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi vốn đã từng giúp bạn trong những năm 1979-1989.

Những tháng ngày ở Cam-pu-chia là những ngày đáng ghi nhớ trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn luôn tự hào là đã đóng góp một phần nhỏ bé vào sự hồi sinh của dân tộc Cam-pu-chia. Tôi nhớ mãi lời hai anh Sờ-vai và Pòn-ti nắm tay tôi, nhắc đi nhắc lại trước lúc chúng tôi chia tay: “Việt Nam là người bạn thủy chung nhất của Cam-pu-chia, bộ đội Việt Nam, Bộ đội Cụ Hồ là đội quân nhà Phật đối với dân tộc chúng tôi. Việt Nam - Cam-pu-chia Xa-ma-ki, xa-ma-ki”

LÊ QUÝ HOÀNG