QĐND - 35 năm đã trôi qua kể từ ngày nhân dân Cam-pu-chia, dưới sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, xóa sổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa-ri tàn bạo, man rợ (7-1-1979). Tuy vậy, đối với những đồng bào Khơ-me sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đen tối của lịch sử Cam-pu-chia như Đại sứ Hun Pha-ni (Hul Phany), dù thời thế có đổi thay, tình cảm biết ơn sâu sắc dành cho những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân giúp dân tộc Cam-pu-chia giành được chiến thắng ngày 7-1 năm xưa, vẫn luôn vẹn nguyên.
Hồi tưởng những ký ức kinh hoàng tưởng chừng như đã bị một lớp bụi thời gian phủ mờ, Đại sứ Hun Pha-ni nhớ lại, dưới sự cầm quyền của chế độ Pôn Pốt, nhân dân Cam-pu-chia phải hứng chịu muôn vàn thống khổ và không hy vọng sẽ có ai đến cứu giúp đất nước thoát khỏi chế độ đen tối này. Tuy nhiên, điều kỳ diệu xảy ra khi trời đất đã đưa các chiến sĩ Khơ-me yêu nước cùng các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đến cứu giúp những người dân lành lương thiện Cam-pu-chia. “Tôi xin nói bằng cả tấm lòng mình rằng, nếu như không có ngày 7-1-1979, thì số người dân Cam-pu-chia bị giết hại sẽ còn tăng lên rất nhiều và cũng sẽ không có một đất nước Cam-pu-chia đang phát triển như ngày hôm nay. Chiến thắng ngày 7-1-1979 có thể ví như người mẹ thứ hai đã sinh ra tôi, gia đình tôi và nhân dân đất nước tôi, để dân tộc Cam-pu-chia được sống dưới ánh hào quang hạnh phúc, một chân trời mới”, ông Hun Pha-ni xúc động nói.
 |
Lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam phản kích quân Pôn Pốt. Ảnh: TTXVN. |
Chính vì vậy, với cá nhân Đại sứ cũng như nhân dân Cam-pu-chia yêu chuộng hòa bình, biết phân biệt đúng sai, thì chắc chắn không thể giả câm giả điếc hay làm ngơ trước những luận điệu xuyên tạc của một số phần tử cho rằng, việc Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng ngày 7-1-1979 là hành động xâm lược. Sự giúp đỡ của Việt Nam khi đó không hẳn chỉ là giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi sự chém giết tàn bạo, mà đặc biệt hơn, Quân tình nguyện và các chuyên gia quân sự Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia trong việc gìn giữ những thành quả đã đạt được, để phát triển bền vững và ngăn chặn chế độ diệt chủng quay lại. Là một cán bộ phục vụ trong Chính phủ Cam-pu-chia kể từ sau chiến thắng ngày 7-1-1979, Đại sứ Hun Pha-ni được tận mắt chứng kiến nhiều chuyên gia Việt Nam có công lớn trong việc hướng dẫn, truyền đạt nhiều kinh nghiệm công tác cho những cán bộ như ông để phục vụ quê hương đất nước. Đại sứ chia sẻ: “Đặc biệt, việc xét xử những kẻ cầm đầu Khơ-me Đỏ của Tòa án Quốc tế chính là sự khẳng định tính đúng đắn và tấm lòng nhân đạo của Việt Nam khi giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia tiêu diệt chế độ diệt chủng. Tôi và gia đình tôi cũng như tất cả những người dân Cam-pu-chia sống sót thoát khỏi thời kỳ diệt chủng trong suốt 3 năm 8 tháng và 20 ngày khi ấy, chắc chắn không thể nào quên được công ơn vô cùng to lớn của Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh thân mình giúp nhân dân Cam-pu-chia”.
Chiến thắng ngày 7-1 từ lâu đã trở thành ngày lễ lớn của đất nước Cam-pu-chia. Theo Đại sứ Hun Pha-ni, những chia sẻ tự đáy lòng của Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen cũng như của Chủ tịch Quốc hội Hêng Xom-rin - những người từng trực tiếp đứng lên đấu tranh chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt năm xưa, khi gặp gỡ trò chuyện cùng các cựu Quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam hay tham dự lễ kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây- Nam và cùng quân, dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 / 7-1-2014) tại Hà Nội mới đây, đã phần nhiều thể hiện tấm lòng thành kính và mãi ghi nhớ công lao giúp đỡ to lớn của bộ đội Việt Nam góp phần sẻ chia nỗi đau thương với nhân dân Cam-pu-chia.
Có thể thấy rằng, là hai nước láng giềng cùng uống chung dòng nước sông Mê Kông, Việt Nam và Cam-pu-chia đã luôn dành cho nhau sự giúp đỡ chí tình khi gặp hoạn nạn trên tinh thần đại đoàn kết, hữu nghị và cùng nhau phát triển toàn diện cả trong chiến tranh trước đây cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Trên tinh thần ấy, Đại sứ Hun Pha-ni cho biết, Đại sứ quán Cam-pu-chia tại Việt Nam có vai trò và nghĩa vụ đại diện cho Chính phủ Cam-pu-chia luôn cố gắng thúc đẩy mối quan hệ giữa các cơ quan, giữa nhân dân các tỉnh thành của hai nước, nhất là khu vực giáp ranh biên giới ngày càng bền chặt. Không những vậy, Đại sứ quán cũng chú trọng quản lý giáo dục các sinh viên Cam-pu-chia đang sinh sống và học tập tại Việt Nam, để các em có cơ hội được hiểu thêm về sự giúp đỡ quý báu của nhân dân Việt Nam. “Quan hệ truyền thống, đoàn kết gắn bó và hợp tác hữu nghị Cam-pu-chia - Việt Nam không ngừng phát triển trên tất cả các phương diện và tình láng giềng anh em giữa hai nước chúng ta sẽ trường tồn mãi mãi”, Đại sứ Hun Pha-ni bày tỏ tin tưởng.
LÂM TOÀN