QĐND - Phnôm Pênh, những ngày cuối tháng 6-1993. Những sắc lính thuộc đủ mọi màu da trong bộ đồ áo giáp chống đạn màu xanh nước biển, súng lăm lăm trong tay, chốt chặn ở các ngả đường trọng yếu của thủ đô. Ngay trước Trụ sở Tổng hành dinh của UNTAC, cơ quan đại diện lâm thời của Liên hợp quốc (LHQ) tại Cam-pu-chia, từng chồng bao cát được dựng lên thành các ụ chiến đấu, với những khẩu súng máy chĩa ra bên ngoài… Thủ đô Vương quốc Cam-pu-chia đang trải qua những ngày hết sức đặc biệt, dưới sự bảo trợ của LHQ, người dân Cam-pu-chia tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau thời kỳ diệt chủng Pôn Pốt.

Lẽ dĩ nhiên là Khơ-me Đỏ đâu có chịu ngồi yên. Chúng quấy phá các điểm bầu cử ở Xiêm Riệp, Công-pông Chàm, đe dọa người dân, kêu gọi không đi bầu cử. Thậm chí ngay tại Phnôm Pênh, chúng đã tổ chức ném lựu đạn tại một quán cà phê khiến nhiều người bị thương vong. Bởi thế nên UNTAC đã tăng cường tối đa các biện pháp bảo đảm an ninh trong những ngày bầu cử cũng là chuyện dễ hiểu. Tối tối, những chiếc xe tăng còn bò ra chốt chặn trên các giao lộ chủ yếu trên đại lộ Monivong chạy ngang thủ đô, mang lại cảm giác yên tâm cho người dân và cả những phóng viên quốc tế có mặt tại Phnôm Pênh để theo dõi, đưa tin về cuộc bầu cử lịch sử này.

Tôi nằm trong số ít ỏi những phóng viên Việt Nam có mặt tại thủ đô Phnôm Pênh trong thời khắc lịch sử của đất nước những pho tượng Bayon bốn mặt. Do tính chất nhạy cảm của cuộc bầu cử vào thời điểm ấy nên trước khi đi, tôi đã được tòa soạn dặn dò là phải hết sức thận trọng, tránh xa những địa điểm có thể gây nguy hiểm hoặc hiểu lầm…

Tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam ở Phnôm Pênh. 

Nhưng một buổi trưa, tôi vẫn quyết định đến thăm khu tượng đài chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tại Công viên trung tâm gần đài Độc lập ở thủ đô Phnôm Pênh.

Từ xa, tôi đã nhìn thấy khu tượng đài sừng sững vươn lên trời cao. Từ khoảng sân rộng thênh thang lát đá, theo những bậc thang, tôi tới khu tượng đài.

Đây là tượng đài theo nhóm, tạc hình tượng hai chiến sĩ, một Cam-pu-chia, một Quân tình nguyện Việt Nam, súng trong tay, đứng phía sau bảo vệ một người phụ nữ đang bế trên tay đứa con nhỏ. Nhóm tượng nằm trên bệ đá hoa cương, có khắc hai hàng chữ Việt Nam và Cam-pu-chia: Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam.

Phía trên nhóm tượng, giữa hai cột đá vững chãi là một hình tròn giống như mặt chiêng (trống). Trên cùng là một mái che cách điệu với đường cong quen thuộc của những ngôi chùa truyền thống của người Khơ-me, đỉnh nhọn vút lên bầu trời.

Tôi đứng ở đó, trong nắng trưa Phnôm Pênh, lặng nhìn hình ảnh về tình đoàn kết giữa Việt Nam và Cam-pu-chia hóa thân trong tượng đài. Ngày 7-1-1979, với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Cam-pu-chia đã đứng lên quét sạch chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giành lấy cuộc sống an bình cho chính bản thân mình.

Rồi Quân tình nguyện Việt Nam lại sát cánh cùng quân đội và nhân dân Cam-pu-chia trong những năm tháng chiến đấu sau đó với tàn quân Khơ-me Đỏ. Biết bao đồng đội tôi đã nằm lại trên những điểm cao khô khát ở Phnôm Me-lai, các rặng núi hiểm trở Pai-lin hay rừng già Xiêm Riệp. Các anh đã hy sinh thân mình để xóa bỏ một trong những chế độ tàn ác nhất trong lịch sử nhân loại, giúp đỡ những người dân lành Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Giờ đây, khi Cam-pu-chia đang bước vào cuộc tổng tuyển cử để xây dựng một đất nước hòa bình, tôi tin rằng, máu của các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đổ xuống mảnh đất này đã không hề uổng phí…

*

 

*     *

Hai mươi năm sau, tôi một lần nữa đến Phnôm Pênh. Tranh thủ giờ nghỉ, tôi lại tìm đến khu tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam.

Người lái xe tắc-xi chỉ cần tôi ra hiệu là đã biết nơi tôi cần đến và chỉ dăm phút sau, tôi đã có mặt ở khu tượng đài quen thuộc.

Sau hai mươi năm, khu tượng đài đã được chỉnh trang khang trang, rộng rãi hơn nhiều so với lần tôi đến trước đó. Cái mái cong cách điệu hình mái chùa được thếp vàng lộng lẫy, óng ánh dưới ánh mặt trời.

Đặc biệt, ở một bên khu tượng đài có một dãy cột cờ, trên đó là những lá cờ của các nước ASEAN, trong đó có cờ Việt Nam, tung bay trong gió. Sau cuộc bầu cử năm 1993, Cam-pu-chia đã có nhiều nét đổi thay, ngày càng hòa nhập mạnh mẽ vào cộng đồng quốc tế. Một trong những cột mốc của quá trình hòa nhập này là việc Cam-pu-chia trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào tháng 4-1999. Sau ngày 7-1-1979, nhân dân Cam-pu-chia đã hồi sinh; sau cuộc bầu cử năm 1993, đất nước Cam-pu-chia đã vươn dậy để trở thành một thành viên bình đẳng trong cộng đồng quốc tế.

Tôi đứng đó, trước khu tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam và biết rằng, còn có rất nhiều tượng đài khác như vậy trong lòng người dân Cam-pu-chia.

Bài và ảnh: VĂN YÊN