QĐND - Cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, thực hiện hồi sinh dân tộc, đó là sự nghiệp quốc tế cao cả và sáng ngời chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX. Trung tướng Lê Hai, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Hành động vì công lý
Phóng viên (PV): Vì sao Việt Nam quyết định đưa bộ đội sang giúp Cam-pu-chia lúc bấy giờ, thưa ông?
Trung tướng Lê Hai: Có hai lý do, một là sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng và hai là theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Cam-pu-chia và Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia.
Ngày 30-4-1977, đúng vào dịp Việt Nam kỷ niệm hai năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Pôn Pốt mở cuộc tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến. Chỉ riêng An Giang, chúng tiến công 13/15 xã và 13 đồn biên phòng của Việt Nam, giết 758 người, đốt phá hơn 100 nóc nhà. Cứ theo thời gian, Pôn Pốt leo những nấc thang mới. Và đến ngày 21-12-1978, Pôn Pốt sử dụng 10 sư đoàn mở chiến dịch tiến công trên toàn tuyến biên giới, mục tiêu chủ yếu là chiếm thị xã Tây Ninh của Việt Nam.
Sự khủng bố và kìm kẹp dã man của Pôn Pốt đã làm bùng lên hàng loạt cuộc nổi dậy chống chế độ diệt chủng ở khắp nơi, từ Đông Bắc đến Tây Nam mà đỉnh cao là Quân khu Đông, Công-pông Chàm, Prây-veng, Xoài Riêng. Hàng vạn dân Cam-pu-chia đã chạy sang tị nạn ở Việt Nam.
 |
Đồng chí Lê Hai (thứ 2, từ phải sang) và các đồng đội nghe đồng chí Hoàng Cầm thông báo diễn biến Chiến dịch giải phóng Phnôm Pênh ngày 7-1-1979, tại Bộ chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Tháng 6-1977, ông Hun Xen sớm nhận rõ bản chất phản động của Pôn Pốt, đã tập hợp những thanh niên yêu nước, xây dựng và huấn luyện những đơn vị vũ trang yêu nước đầu tiên. Ông Hun Xen đã cùng các ông Hêng Xom-rin, Chia Xim, Bu Thoong, Sại Phu Thoong-những người lãnh đạo cuộc nổi dậy chống Pôn Pốt ở các nơi, xây dựng Đảng Nhân dân Cam-pu-chia. Ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia với Đảng Nhân dân Cam-pu-chia làm nòng cốt lãnh đạo đã thành lập và ra mắt nhân dân ở Snoul thuộc tỉnh Cro-chi-ê. Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đề nghị với Việt Nam: “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà phải cứu giúp cả dân tộc”.
Vậy phải làm gì bây giờ? Câu trả lời của những người có lương tâm sống nghĩa tình và một đất nước có chủ quyền là phải xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, nguyên nhân, nguồn gốc gây ra cuộc diệt chủng thảm khốc với chính dân tộc mình và gây ra cuộc chiến tranh xâm lược man rợ ở biên giới Tây Nam Việt Nam. Chừng nào còn chế độ diệt chủng Pôn Pốt thì nhân dân Cam-pu-chia còn phải đắm chìm trong thảm họa diệt chủng và Việt Nam không bao giờ có hòa bình, ổn định để xây dựng. Việt Nam đã tự kiềm chế và nhiều lần đề nghị với Trung ương Đảng Pôn Pốt tìm cách cùng nhau đàm phán, giải quyết xung đột một cách hòa bình. Nhưng mọi cố gắng cứu vãn hòa bình của Việt Nam đều bị Pôn Pốt cự tuyệt. Và Việt Nam đã hành động như mọi con người chân chính, mọi dân tộc yêu chuộng công lý phải hành động.
Đội quân nhà Phật
PV: Nhân dân Cam-pu-chia đánh giá thế nào về sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam, thưa ông?
Trung tướng Lê Hai: Ngày 23-12-1978, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược đập tan cuộc tiến công toàn tuyến hòng đánh chiếm thị xã Tây Ninh của Pôn Pốt, và sau đó chuyển sang tiến công, cùng với các lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia mới gấp rút xây dựng, đánh tan lực lượng quân sự Pôn Pốt, xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng và đến ngày 17-1-1979, sau 25 ngày, tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên đất nước Cam-pu-chia đã được hoàn toàn giải phóng khỏi chế độ diệt chủng. Với một chiến dịch phản công có chiều sâu hơn 500km và chiều rộng cũng hơn 500km, giành thắng lợi nhanh gọn không phải chỉ do lòng dũng cảm và nghệ thuật quân sự mà điều cực kỳ quan trọng là nhờ sự ủng hộ của nhân dân Cam-pu-chia. Không có sự ủng hộ của nhân dân Cam-pu-chia không thể có tốc độ kỳ diệu đó, đánh tan lực lượng quân sự hơn 21 sư đoàn Pôn Pốt chạy không kịp trở tay.
Trên tất cả các hướng, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã được đón tiếp bằng sự vui mừng không kể xiết của những người dân Cam-pu-chia được giải phóng. Nhân dân Cam-pu-chia gọi bộ đội Việt Nam là "bộ đội nhà Phật", giúp thực hiện một cuộc hồi sinh dân tộc vĩ đại. Những người già ở tỉnh Bát-đam-boong kể: “Chúng tôi theo đạo Phật, chúng tôi ngày đêm cầu trời, khấn Phật cứu giúp nhưng ngày này qua ngày khác, không thấy ai đến. Chúng tôi nghĩ trên cõi đời này chỉ Việt Nam có thể cứu giúp chúng tôi. Quả nhiên bộ đội Việt Nam đã đến”.
Mặc dù các chiến sĩ Việt Nam căm thù bọn Pôn Pốt giết hại dã man đồng bào mình nhưng không hề có bất cứ hành động trả thù nào đối với tù binh, hàng binh. Tù binh và hàng binh Pôn Pốt được đối xử rất nhân đạo; những kẻ bị thương được cứu chữa và giúp trở về quê; những người khỏe mạnh được giáo dục và cho trở lại rừng kêu gọi tàn quân Pôn Pốt ra hàng.
PV: Sau ngày 7-1-1979, khi chế độ Pôn Pốt bị xóa bỏ, vì sao Việt Nam tiếp tục ở lại giúp đỡ Cam-pu-chia, thưa ông?
Trung tướng Lê Hai: Như chúng ta đã biết, Pôn Pốt bị đánh tan rã, bỏ chạy về biên giới phía Tây và Tây Bắc, lén lút ở lại một số vùng núi trong nội địa. Chúng bắt đầu phản kích, tổ chức những cuộc khủng bố nhân dân, thậm chí, ném lựu đạn giết hại cô dâu, chú rể trong các đám cưới tổ chức sau ngày giải phóng. Những cuộc tiến công khủng bố ngày càng tăng về quy mô và cường độ. Nguy cơ chế độ diệt chủng quay lại hằng ngày đè nặng lên tâm trí nhân dân Cam-pu-chia, đặt họ trước những lo âu và sợ hãi mới. Chính phủ Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia đã chính thức đề nghị Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam chưa về ngay. Điều rõ ràng là nếu Quân tình nguyện Việt Nam rút về trong thời điểm ấy, có nghĩa là bỏ mặc nhân dân Cam-pu-chia lại rơi vào thảm họa.
 |
Nhân dân Cam-pu-chia mít tinh tiễn Quân tình nguyện Việt Nam về nước trong đợt rút quân lần thứ 7, giai đoạn hai năm 1988. Ảnh tư liệu.
|
Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình. Với lòng yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, Quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia Việt Nam hiểu rõ chân lý ấy, không thể bỏ mặc nhân dân Cam-pu-chia giải phóng lại rơi vào tay Pôn Pốt, không thể để cho Pôn Pốt trở lại gây tội ác moi gan, mổ bụng đồng bào ở biên giới Tây Nam. Biết rằng, tiếp tục ở lại là phải chịu nhiều hy sinh gian khổ, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã quyết định ở lại thêm một thời gian, giúp nhân dân Cam-pu-chia chống chế độ diệt chủng quay trở lại và hàng năm tổ chức từng đợt rút quân trở về, cho đến ngày 27-9-1989 thì hoàn toàn rút hết về nước.
Thời báo Canberra của Ô-xtrây-li-a số ra ngày 19-3-1989 từng đánh giá: “Ai cũng phải thừa nhận là việc Việt Nam vào Cam-pu-chia đã đem lại kết quả rõ ràng. Hành động đó đã được nhân dân Cam-pu-chia ở khắp nơi chào đón như là sự giải phóng cho họ. Và ai cũng thấy rõ ràng là sở dĩ từ trước đến nay, Khơ-me Đỏ không thể trở về được Phnôm Pênh, chủ yếu vì sự có mặt của Việt Nam”. Mọi người đều biết sau đó, nhân dân Cam-pu-chia đã phải tốn thêm 10 năm nữa mới làm tan rã hoàn toàn lực lượng Pôn Pốt.
PV: Xin cảm ơn ông!
THU TRANG-LÂM TOÀN (thực hiện)