QĐND - Còn nhà tù Tuôn Xleng vốn là một trường trung học nằm trong khu phố nhỏ Tuôn Xvây Prây ở phía Nam Phnôm Pênh. Bọn Pôn Pốt đã quây thép gai lại rồi biến các lớp học thành phòng giam nhỏ để tra tấn các tù nhân, trở thành trại tập trung ngay giữa thủ đô và đặt cho nó biệt danh là S21. Ngay những ngày đầu năm 1979 mới tới Phnôm Pênh, tôi đã đến thăm nhà tù Tuôn Xleng. Lính Pôn Pốt đã vội vã giết hại những tù nhân còn sót lại đây ngay trước lúc quân tình nguyện giải phóng khu vực này, thành thử khi tới đây tôi vẫn còn ngửi thấy mùi tanh lợm của máu, những vết máu của nạn nhân tóe lên tường, vương trên sàn nhà khô tím, hôi hám… Trên tường treo ảnh hàng loạt tù nhân, phần lớn đều mặc áo đen quấn khăn rằn. Bọn Pôn Pốt đã giam tù ở đây, tù đàn ông tù đàn bà, tù già tù trẻ con, cùm kẹp, chụp ảnh lấy cung rồi tra tấn theo kiểu S21 như là rút móng tay móng chân, đổ a-xít vào mặt, khoét ngực để thả rết, dùng búa, rìu, roi đánh đập… trước khi chở họ đến Châng Ếch dùng xẻng dùng búa, dùng cuốc, dùng gậy đập đầu hành quyết hàng loạt. Đó chính là mối liên hệ chết chóc ma quái ghê rợn giữa Tuôn Xleng và Châng Ếch. Nhiều tài liệu nói chỉ có 14 người sống sót trong số từ 17.000 đến 20.000 tù nhân ở Tuôn Xleng, trong đó có họa sĩ Van Na là người chuyên vẽ về cảnh tra tấn tàn bạo và rùng rợn ở Tuôn Xleng.
 |
Tội ác của quân Pôn Pốt - Iêng Xa-ri với người dân ở vùng biên giới thuộc Tây Ninh năm 1978. Ảnh tư liệu
|
Hai tòa án, một kết luận
Thế là ba thập kỷ đã qua đi kể từ khi thế giới biết đến những “Cánh đồng chết” ở Cam-pu-chia thì mãi tới tháng 7-2006 một Tòa án xét xử Khơ-me Đỏ do Liên hợp quốc hậu thuẫn mới được lập ra ở Cam-pu-chia. Tôi thường nói với mọi người rằng, đã có một Tòa án xét xử Khơ-me Đỏ năm 1979 của Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia, với một Đoàn Luật sư ít hơn Đoàn Luật sư bây giờ rất nhiều, với một số tiền cực kỳ li ti so với hàng trăm triệu USD bây giờ, nhưng cả hai Tòa đều có cùng một bị cáo là chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ và cuối cùng thì Tòa thứ hai có giỏi lắm cũng sẽ đạt được một kết luận về căn bản sẽ chỉ giống như Tòa thứ nhất mà thôi: “Nói cho cùng, chính Việt Nam đã nhanh chóng chấm dứt cuộc tàn sát man rợ của kỷ nguyên Khơ-me Đỏ trong khi phần còn lại của thế giới đang che mặt làm ngơ” (Mark A. Ashwill, Buffalo, New York, USA, trong lời giới thiệu của cuốn Hành trình qua Cánh đồng chết, tác giả Chanrithy-Him,Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh 2006).
Tóm tắt câu chuyện về cuộc diệt chủng lần thứ ba trong thế kỷ 20 như thế là để phần nào nhắc lại trong bối cảnh nào mà Việt Nam đã gửi bộ đội tình nguyện sang Cam-pu-chia những năm 1979-1989. Trên thế giới cũng ít khi nước này gửi quân tình nguyện sang nước kia. Việt Nam, trong những giai đoạn khác nhau, có quân tình nguyện ở Cam-pu-chia và cả ở Lào. Ở Cam-pu-chia khi bọn Pôn Pốt đang giết chóc thì quân tình nguyện Việt Nam đến cứu nên nhiều người Cam-pu-chia lúc ấy gọi quân tình nguyện Việt Nam là đội quân nhà Phật.
Có một lần tôi được về Tây Ninh dự lễ tiếp nhận, truy điệu và an táng hài cốt hơn 200 chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Cam-pu-chia. Buổi lễ hôm ấy được làm ở Nghĩa trang huyện Tân Biên, cách cửa khẩu Sa Mát khoảng 20km. Tôi tự hào, nhưng không phải không đau đớn, được thấy cảnh những người sống đón rước những người đã hy sinh trở về, mỗi hài cốt chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam được gói trong một bọc vải màu đỏ. Lúc ấy trong đầu tôi cứ tự nhiên bật ra những câu sau:
Ba mươi năm đón các anh về/Ba nén nhang/Một chén nước lã/Và một lá cờ đỏ/Bây giờ thì thôi lá cây ngọn cỏ/Hãy yên nghỉ đi/Rủ lên mộ anh cành hoa đại trắng/Trên cao nữa là trời xanh quê hương/Đất mẹ ôm anh, ru các anh nằm./Tôi/Một mình xin khóc/Nước mắt một giọt/Ba mươi năm./
Chiếc hon-đa và Bộ trưởng Hun Xen
Khi mới sang Cam-pu-chia vào năm 1979 tôi chỉ là thư ký giúp ông Ngô Điền, thỉnh thoảng được gặp ông Hun Xen khi đưa điện hoặc công văn nên ông vẫn biết có một chuyên gia cấp dưới tên là Chiến Thắng. Trong những ngày đầu tiên năm 1979 ấy, Bộ Ngoại giao Cam-pu-chia đã cho tôi mượn một chiếc xe hon-đa 50 cũ để đi lại. Bộ trưởng Hun Xen trực tiếp ký và đóng dấu vào tờ giấy sử dụng xe. Hôm đem giấy đến xin đóng dấu, tôi thấy Bộ trưởng ngồi một mình trước một cái bàn rộng, mặc bộ đồ ka-ki màu ghi phẳng phiu, nét mặt thanh tú và người gầy như một thư sinh hơn là một nhà quân sự đã lăn lộn trên nhiều chiến trường. Ông thong thả lấy từ trong cặp đen ra một cái túi ni-lông, lấy từ trong túi ni-lông ra một cái dấu rồi vui vẻ đóng dấu, lại còn cười nói sau này dễ dàng thì cho Chiến Thắng mang cái hon-đa về Việt Nam. Đã không thể có cái sự dễ dàng - vì càng về sau càng nhiều luật lệ chặt chẽ, nhưng tình cảm ấy của ông Hun Xen cùng với hình ảnh ông đích thân đóng cái dấu vào tờ giấy phép đã in đậm mãi trong trí nhớ của tôi. Theo ông Ngô Điền kể lại, về sau này, thỉnh thoảng ông Hun Xen còn nhớ đến tôi, có lần trong một cuộc họp giao ban còn quay hỏi Chiến Thắng đâu mà lâu không thấy. Bởi vậy năm 1985 ông đã đồng ý cho Bộ Ngoại giao Cam-pu-chia mời gia đình tôi sang nghỉ ở Cam-pu-chia hai tuần. Khi tôi trở thành Đại sứ, thỉnh thoảng ông vẫn gọi tôi là anh Chiến Thắng. Nhưng vẫn không biết ông có nhận ra tôi không...
Bộ Ngoại giao Cam-pu-chia bây giờ đã dọn về trụ sở mới, đối diện với Công viên Hun Xen. Khi tôi đã là Đại sứ, thỉnh thoảng đi ngang qua tòa nhà Bộ Ngoại giao cũ ở đường bờ sông, tôi lại bâng khuâng nhớ đến những ngày đầu năm 1979 đã qua đây làm việc. Lúc bấy giờ nội dung công việc ngoại giao rất lớn nhưng chỗ làm và phương tiện lại chẳng có gì. Tôi nhớ, chúng tôi đã cùng các nhân viên đầu tiên của Bộ Ngoại giao bạn đi tìm trong các khu nhà bỏ hoang để thu nhặt bàn ghế, máy chữ và các đồ dùng văn phòng... về trang bị cho trụ sở Bộ. Đụng đến cái gì cũng một lớp bụi phủ dầy, thổi nhẹ một cái cũng giống như thổi vào đĩa bột mì. Anh Bùi Hữu Nhân là một trong những trợ thủ chính của ông Ngô Điền lúc ấy, là một cán bộ miền Nam giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp, là Trưởng phòng phóng viên của Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao trước khi chúng tôi vào giúp ông Ngô Điền. Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh Nhân vào những buổi chiều trời nắng đi thu nhặt đồ dùng cùng bạn. Có những lúc anh chỉ mặc độc mỗi cái quần đùi, cởi trần, bụi bám trên mặt, trên người lem luốc, mồ hôi nhễ nhại. Một cán bộ ngoại giao cự phách đấy, có phải lúc nào cũng com-lê với cà-vạt cả đâu! Anh Nhân sau này đã mất do một tai nạn giao thông rất thương tâm.
Những ngày đầu, đời sống ở Bộ Ngoại giao bạn rất khó khăn, chưa có viện trợ nào khác ngoài viện trợ của Việt Nam. Nhà bếp chỉ có cơm với canh rau và ít cá khô. Người ta lấy một phần gạo đi đổi thức ăn. Các chị góa chồng mà có con nhỏ thì phải mang con theo, buổi sáng có một gói giấy gói hạt ngô luộc để cho chúng ăn lót dạ. Nhiều người nói nếu bộ đội Việt Nam đến chậm thì chắc họ đã bị hành quyết cả rồi. Lúc bấy giờ anh em chúng tôi trong bộ phận làm việc của ông Ngô Điền cũng đã được cấp mì ăn liền, tất nhiên là mì nắm chứ không phải mì gói như bây giờ. Chúng tôi đã bớt ra mỗi anh một vài nắm, thỉnh thoảng đem ra ngoại ô Phnôm Pênh đổi lấy thực phẩm về cải thiện, người dân lúc ấy cần lương thực hơn là rau thịt. Anh Hà, lái xe của ông Ngô Điền, còn có sáng kiến đi tát cá ở những chuôm nước cạn ven sông Mê Công, bắt được rất nhiều cá tép và cá sặt bổi đem về kho nhừ với xoài xanh, cà chua xanh hoặc quả chuồm ruộp, ngon đáo để...
Ông Hun Xen tham gia chiến đấu liên tục và trải qua từ cấp thấp nhất thăng dần lên Trung đoàn phó, tham gia trận đánh giải phóng Phnôm Pênh và bị thương nặng, hỏng mắt trái trước khi giành thắng lợi hoàn toàn. Nguyên là một sĩ quan cấp trung đoàn ly khai chế độ Pôn Pốt sang Việt Nam vào năm 1977, ông đã trưởng thành trên tất cả các lĩnh vực như quân sự, ngoại giao, đặc biệt là chính trị, chính trị trong nghĩa chính khách và chiến lược.
Dù thế nào thì tình cảm đối với Việt Nam của Thủ tướng Hun Xen là phù hợp với tình cảm của rất nhiều người Cam-pu-chia, những người trước đây đã là nạn nhân của chế độ diệt chủng và những người trẻ tuổi hiện nay yêu hòa bình và hiểu được thời thế. Ông Hun Xen chính thức long trọng tuyên bố trong lễ chiêu đãi của Thủ tướng Phan Văn Khải chào mừng đoàn Thủ tướng Cam-pu-chia thăm Việt Nam tối 10-10-2005 tại Hà Nội, toàn văn nói về lòng biết ơn đối với Việt Nam như sau:
“Cam-pu-chia đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần và đã hồi sinh, phát triển toàn diện trong hơn 26 năm qua. Thay mặt nhân dân Cam-pu-chia, tôi xin phép được bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Chính phủ, Quân đội và Nhân dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã hy sinh to lớn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Cam-pu-chia ngày 7-1-1979 khỏi bàn tay của bọn diệt chủng Pôn Pốt, giúp Cam-pu-chia ngăn chặn sự quay lại của chế độ diệt chủng và đã cùng chia sẻ với nhân dân Cam-pu-chia trong thời gian cực kỳ khó khăn đau khổ nhất...
Nhân dịp này, tôi xin phép được bày tỏ lòng kính trọng đến nhân dân Việt Nam, những gia đình có cha mẹ, vợ chồng, anh em đã hy sinh trong sự nghiệp giúp đỡ sự hồi sinh của nhân dân Cam-pu-chia và tôi xin phép được khẳng định nếu không có ngày 7-1-1979, nhân dân Cam-pu-chia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là một chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”...
NGUYỄN CHIẾN THẮNG