"Na Rì quê mình có rất nhiều bản làng nhỏ nằm nhấp nhô trên sườn núi. Bản nhỏ và còn
 |
Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Internet |
nghèo nhưng lúc nào cũng vui, cũng tấp nập". Đấy là những lời "quảng cáo" của Hoàng Văn Hồng, anh bạn vui tính trong tiểu đội tôi thời cùng học ở Trường sĩ quan Lục quân 1. Hồng "mời" cả tiểu đội đến thăm quê hương Na Rì rất nhiệt tình. Tiếc là mỗi năm chỉ có vài chục ngày phép, cả tiểu đội lại đang ở tuổi mộng mơ nên "kế hoạch" đến thăm Na Rì của chúng tôi chưa thực hiện được…
Cũng chính vì thế, đến Na Rì (Bắc Kạn) lần này, tôi gọi điện ngay cho Hồng và không quên nhắc lại lời "quảng cáo" trước đây. Hồng chưa về ngay được, nhưng vẫn bố trí cậu em trai đưa chúng tôi đi thăm nhiều nơi, ngắm nhiều cảnh đẹp. Nhất là dòng thác Nà Đăng thuộc xã Lương Thành, một thác nước chảy từ đỉnh núi xuống với độ cao trên 100m tạo nên một cảnh đẹp thiên nhiên vô cùng kỳ vĩ và hiếm có.
Thiên nhiên tươi đẹp nhưng đồng bào còn nghèo, đó là điều khiến chúng tôi băn khoăn. Khi đã nghèo, làm sao có thể "vui" được! Chẳng lẽ, anh bạn Hồng vốn vui tính và chân thật của chúng tôi lại nói khoác?
Ngày hôm sau, người em của Hồng đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Viên, thôn Phiêng Bang. Ngôi nhà của anh được dựng ngay sát con đường liên thôn, thuận tiện cho việc đi lại, còn rất mới. Anh Viên là một trong những hộ nghèo nhất làng, nhà vừa được xây theo chương trình 134. Anh tâm sự: “Nhà tôi nghèo, lại toàn người già với trẻ con nên neo người lao động. Được bà con bình xét, đề nghị trên cho hưởng dự án 134, tôi rất mừng. Trị giá của ngôi nhà này không chỉ là 5 triệu mà Chính phủ hỗ trợ, nó còn là mồ hôi, công sức cũng như tình cảm của cả làng dành cho".
Được biết, khi thực hiện chương trình 134 tại Na Rì, huyện ủy và UBND huyện đã lấy việc xóa nhà tạm, nhà dột cho các hộ gia đình làm trọng tâm. Ngoài số tiền 5 triệu được hỗ trợ, các hộ nghèo còn được sự giúp đỡ rất tận tình của bà con lối xóm, dòng tộc bằng những việc làm cụ thể như giúp ngày công lao động, nhà nào có nguyên vật liệu dư thừa thì chuyển sang cho những nhà thiếu… Như xã Đổng Xá, bà con đã giúp nhau hơn hai nghìn ngày công, xã Cư Lễ là gần hai nghìn ngày công, xã Lam Sơn trên một nghìn ngày công… Bà con xem việc giúp hộ nghèo như việc chung của làng, là trách nhiệm của tất cả mọi người. Cứ ai rỗi việc là đến giúp chứ không phân chia, không tính công. Trị giá những ngôi nhà mới của bà con dân tộc thiểu số nghèo hiện hữu ở 22 xã, thị trấn thường trị giá 7-8 triệu đồng vì lý do như thế.
Tối hôm ấy, nghe tin Hồng về phép, đoàn viên, thanh niên trong thôn kéo đến rất đông. Rượu là cái cớ để cho câu chuyện thêm vui, và chúng tôi thầm tiếc, tình cảm thân ái và những niềm vui tinh thần kiểu này hình như đang mai một dần ở những ngôi làng dưới xuôi. Điều đó cũng giải thích vì sao, cái anh chàng Hồng vui tính lại rất "khoái" mời đồng đội về thăm nhà.
Nguyên Hồng