Chúng tôi đến thăm anh Khang vào buổi chiều trời mưa nặng hạt. Hai mẹ con anh sống trong nhà cấp 4 đang xuống cấp, hầu như không có một tài sản nào đáng giá. Thấy người lạ, anh Khang sợ sệt khóc rú lên, được mẹ vỗ về anh mới chịu nằm một chỗ. Nước mắt của người mẹ bất hạnh lăn dài trên gương mặt khắc khổ, khiến không ai có thể cầm lòng. Bà Chi cho biết: “Khổ lắm các chú ạ, khi mới lọt lòng cháu Khang đã bị dị tật, chân tay teo tóp, “có lớn mà không có khôn”. Lúc lên 2 tuổi, tôi cho Khang đi khám, các bác sĩ kết luận cháu bị thiểu năng trí tuệ, teo cơ chân tay do di chứng nhiễm chất độc da cam. Lúc đó, cả gia đình tôi như chết lặng đi”. Nhiều đêm cả xóm đang yên giấc, bỗng giật mình vì tiếng Khang la hét, gào thét vì cơn đau trong người. Những lúc bình thường anh cũng chỉ nói được ú ớ mấy câu không rõ tiếng, có lúc tự nhiên cười có lúc lại nức nở khóc. Gần 40 năm nay, hầu như mọi sinh hoạt của anh đều ở trên giường, một tay người mẹ chăm sóc.

Suốt 40 năm qua, anh Bùi Văn Khang hầu như chỉ nằm một chỗ.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, chồng bà là ông Bùi Văn Ngọ, nhập ngũ năm 1968, tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, Tây Ninh. Trong quá trình chiến đấu, ông bị nhiễm chất độc da cam và hậu quả đã di chứng sang người con trai duy nhất. Năm 2002, ông Ngọ qua đời, để lại người vợ và con trai bệnh tật. Thương con, xót xa với những cơn đau mà Khanh đang chịu, bà Chi quyết định bán hết tài sản để đưa con đi chữa trị. Dù chữa trị rất tốn kém nhưng bệnh tình của Khang không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Năm nay bà Chi đã 75 tuổi, sức khỏe cũng yếu dần. Số phận quá nghiệt ngã khiến bà chưa có một ngày được yên trước nỗi đau da cam mà người con trai đang phải gánh chịu. Hiện hai mẹ con bà Chi rất cần được giúp đỡ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Vũ Thị Chi, thôn Vũ Đại, xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) hoặc Phòng Bạn đọc-Cộng tác viên, Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội; điện thoại: 069.696.524. Số tài khoản Báo Quân đội nhân dân: 05211.012.83003, Ngân hàng TMCP Quân đội, chi nhánh Điện Biên Phủ, Hà Nội.

Bài và ảnh: HƯƠNG THẢO