Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, khi phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) phần lớn dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Với tư cách là một tập đoàn lớn của cả nước, Viettel đã xử lý việc đưa giải pháp công nghệ vào các tỉnh, thành như thế nào?
Đồng chí Trần Tuấn Ngọc: Đối với lĩnh vực ĐTTM thì Viettel đã có quá trình nghiên cứu hơn 5 năm. Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều mô hình ĐTTM trên thế giới và các công nghệ hiện đại cũng đã được áp dụng trong mô hình tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Về cơ bản, Viettel xây dựng trên nền tảng chung, có thể tích hợp rất nhiều nhà cung cấp khác nhau, không chỉ mỗi Viettel mà các doanh nghiệp khác đều có thể tham gia để có thể cung cấp dịch vụ cho một thành phố. Cụ thể, tại TP Huế, hơn một nửa dịch vụ thông minh (TM) đang cung cấp ở đây do các doanh nghiệp (DN) tại địa phương cung cấp.
 |
Đồng chí Trần Tuấn Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Khách hàng doanh nghiệp, Tổng công ty giải pháp Viettel. |
PV: Việc Viettel xây dựng ĐTTM tại TP Huế diễn ra như nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Tuấn Ngọc: Đối với TP Huế, ngay thời điểm tiếp cận ban đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã đặt ra những bài toán rất cụ thể cho chúng tôi. Dựa trên những trăn trở lâu nay của TP Huế cùng với quá trình làm việc của thành phố với rất nhiều đối tác công nghệ trước đó, chúng tôi đã xác định cho mình một mô hình là đi từ nhu cầu thực tiễn của người dân để xây dựng một TP Huế thông minh. Trên quan điểm đó, Viettel cùng với TP Huế khảo sát rất kỹ lưỡng, “may đo” một mô hình đô thị thông minh phù hợp nhất cho TP Huế. Tôi cho rằng, đây cũng là quan điểm tốt nhất cho các thành phố khác khi xây dựng ĐTTM.
PV: Sau 9 tháng đưa vào triển khai, đến thời điểm này, các giải pháp công nghệ đã phù hợp chưa, có cần nâng cấp, cải tiến thêm không?
Đồng chí Trần Tuấn Ngọc: Bản chất xây dựng ĐTTM là một quá trình lâu dài và xuyên suốt. Không thể nói hôm nay chúng ta thành công và dừng lại, mà chúng tôi cần có một quá trình để tiếp tục nâng cấp, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
 |
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên - Huế được đặt tại số 36, phố Phạm Văn Đồng, TP Huế. |
PV: Có quan điểm cho rằng, phát triển ĐTTM dựa trên nhiều trụ cột khác nhau như: Giao thông, y tế, giáo dục, môi trường… Theo đồng chí, làm sao để kết nối tất cả các công nghệ với nhau để thành một mô hình chung?
Đồng chí Trần Tuấn Ngọc: Hiện tại, Viettel đã xây dựng được mô hình này và cũng đã áp dụng tại TP Huế. Tại đây, chúng tôi đã kết nối toàn bộ các camera trên địa bàn từ các hệ thống CNTT có sẵn. Chúng tôi cũng mở rộng cung cấp dịch vụ cho các DN khác để kết nối. Viettel cũng đã sẵn sàng cung cấp nền tảng này cho các địa phương trên cả nước. Cụ thể, Viettel cung cấp một nền tảng công nghệ IOC Platform có chức năng liên quan đến việc thu nhận dữ liệu, tập trung phân tích dữ liệu lớn để xử lý và cung cấp các nền tảng kết nối các ứng dụng khác nhau để chia sẻ.
PV: Đối với TP Huế, nhu cầu thu nhận thông tin phản hồi của người dân được quan tâm nhất. Vậy ứng dụng Hue – S mà Viettel xây dựng có chức năng như thế nào để đạt hiệu quả nhất, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Tuấn Ngọc: Với quan điểm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Viettel cũng đặt ra bài toán là sử dụng công nghệ song cân nhắc làm thế nào để người dân dễ sử dụng nhất. Do đó, ứng dụng Hue – S ra đời, đây là ứng dụng tương tự như một mạng xã hội hiện nay. Đến nay, toàn bộ người dân có thể sử dụng ứng dụng này một cách rất đơn giản và dễ dàng. Vì việc tiếp cận dễ như vậy, ứng dụng này đã dần đi vào cuộc sống của người dân.
 |
Ứng dụng Hue - S đã trở nên thông dụng và được nhiều người dân đồng tình sử dụng. |
PV: Hiện nay, có xu hướng nhiều tỉnh, thành phố muốn xây dựng đô thị thông minh, nhưng lại nói rằng để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu áp dụng các giải pháp CNTT rất tốn kém, Viettel có quan điểm như thế nào về việc này?
Đồng chí Trần Tuấn Ngọc: Bản chất quá trình xây dựng ĐTTM nếu xét về khía cạnh công nghệ hay bài toán vượt quá tầm thì có thể thấy kinh phí lớn. Tuy nhiên khi chúng ta đặt cho mình một bài toán vừa phải thì sẽ giải quyết được vấn đề này. Theo tôi, các tỉnh, thành phố cần ưu tiên những việc như những công cụ mang lại giá trị cho người dân, các vấn đề cấp bách của xã hội… ; đồng thời, có lộ trình, phân kỳ đầu tư từng hạng mục một cách hợp lý thì sẽ giảm tải nguồn đầu tư và mang lại hiệu quả cao.
PV: Viettel sẽ triển khai tiếp mô hình này đối với TP Huế như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Tuấn Ngọc: Mô hình của TP Huế đã có bước đầu thành công. Tuy nhiên, cả hai bên đều đặt ra cho mình ngưỡng thách thức mới để duy trì thành công này, cũng như áp dụng công nghệ tiên tiến vào việc xử lý các bài toán trong thời gian tới như công nghệ tự động trả lời, nhằm hỗ trợ người dân một cách tốt hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh ra đời với mục tiêu giám sát, xử lý giao thông; giám sát, quản lý hình ảnh phục vụ xử phạt vi phạm hành chính thông qua hình ảnh; quản lý các phương tiện công cộng; giám sát an ninh, tình hình an toàn trật tự tại các khu vực trung tâm, khu vực trọng yếu, khu di tích; tiếp nhận thông tin ý kiến phản ánh, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công và đưa ra quyết định trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công; tiếp nhận, hỗ trợ, giải đáp, tư vấn cho du khách về các vấn đề gặp phải khi du lịch trên địa bàn tỉnh...
|
VĂN PHONG (thực hiện)