Tại hội thảo, TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011-2020 được tiếp cận theo 3 trụ cột gồm: Tiếp cận công bằng, chất lượng và một số điều kiện bảo đảm chất lượng.

Theo báo cáo, trong 10 năm qua, số lượng học sinh giáo dục mầm non tăng mạnh, chủ yếu tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Chúng ta tự hào về việc đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nhưng với những trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn là bài toán khó. Ở bậc tiểu học và THCS số lượng học sinh tăng nhẹ. Ở bậc THPT số lượng học sinh giảm nhẹ trong 10 năm qua. Nhìn chung có một tỷ lệ duy trì học sinh tương đối cao giữa các cấp học. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh chuyển tiếp từ THCS sang THPT khá thấp.

Nguồn: Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. 

Theo các số liệu thống kê cũng cho thấy gần như không có bất bình đẳng về giới. Ở bậc tiểu học, tình trạng bất bình đẳng rất ít ngoại trừ đối với nhóm trẻ khuyết tật. Ở các cấp bậc học cao hơn, tình trạng bất bình đẳng rõ rệt hơn, đặc biệt trên khía cạnh vùng miền và dân tộc. Đa số trẻ em mẫu giáo được chuẩn bị tốt để sẵn sàng đi học. Khảo sát EAP ECDS 2019, sự phát triển của trẻ 5 tuổi tại Việt Nam trong một vài lĩnh vực như ngôn ngữ, phát triển nhận thức và phát triển cảm xúc xã hội còn thấp.

Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng theo chương trình đánh giá PISA của OECD. Học sinh yếu của Việt Nam ít hơn. Tuy nhiên tỷ lệ thí sinh đạt thành tích cao nhất cũng thấp. Qua kết quả các kỳ đánh giá diện rộng, đa số học sinh tiểu học đạt kết quả tốt và có kỹ năng đọc viết và làm toán cơ bản. Tuy nhiên ở bậc THCS và THPT kết quả của học sinh trong các môn toán, khoa học, tiếng Anh còn hạn chế.

Mặc dù tỷ lệ học sinh/giáo viên thấp nhưng vẫn trên mức trung bình của OECD. Tuy nhiên, những nơi thành thị vượt ngưỡng, những vùng khó khăn thì thấp. Vẫn còn nhiều trường chưa đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt ở GDMN. Tuy nhiên đa số các trường đã có cơ sở vật chất kiên cố.

Việt Nam cũng đã làm tốt công tác giáo dục thường xuyên. Tỷ lệ đọc biết viết của nhóm dân số trên 15 tuổi ở Việt Nam rất cao, phần lớn các trung tâm giáo dục thường xuyên có điều kiện cơ sở vật chất rất tốt. Tuy nhiên việc thúc đẩy học tập suốt đời cần nhiều nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội.

Về giáo dục đại học, quy mô sinh viên tăng đáng kể trong 20 năm qua, với hơn 50% sinh viên nữ. Các trường đại học Việt Nam đã có mặt trong các bảng xếp hạng đại học uy tín; hiệu suất công bố quốc tế tăng mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên, mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học tại Việt Nam còn thấp, tương đương với 0,33% GDP. Các cơ sở đại học phải phụ thuộc nguồn thu từ học phí, gây nên nhiều khó khăn cho nhóm dân số có thu nhập thấp trong tiếp cận giáo dục đại học.

Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến vấn đề quản lý nguồn nhân lực; chi phí và tài chính cho giáo dục…

MAI CHI