Phát triển bền vững đã và đang trở thành mục tiêu quan trọng trong bức tranh giáo dục toàn cầu. Theo mục tiêu đề ra của UNESCO, tới năm 2030, 50% các trường học tại mỗi quốc gia trên toàn thế giới sẽ trở thành “trường xanh” - không gian giáo dục hướng tới phát triển bền vững trên nhiều khía cạnh như chương trình học, cơ sở vật chất, không gian trường học. Đặc biệt, những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng về biến đổi khí hậu ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc theo đuổi tiêu chí học đường xanh, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Trường Đại học Anh quốc Việt Nam là một công trình xanh. 

Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của những tổ chức chứng nhận công trình xanh uy tín trên thế giới như EDGE, LEED, BREEAM… giúp dẫn dắt, cung cấp những đánh giá chính xác về mục tiêu phát triển bền vững cho các đơn vị. Những chứng chỉ như EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies - Hệ thống chứng nhận công trình xanh) thường được các nước đang phát triển ưu tiên, vì nhóm tiêu chí xét duyệt được xây dựng đặt trọng tâm vào lợi ích mang lại cho các thị trường này.

BUV đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ EDGE nâng cao, tương đương với cấp độ 2 trong 3 cấp chứng nhận. Theo tiêu chuẩn toàn cầu, để đạt được chứng chỉ EDGE nâng cao, các công trình phải đảm bảo tiết kiệm năng lượng tại chỗ từ 40% trở lên, gấp đôi mức độ cơ bản số 1, cũng là mức của đại đa số các công trình đạt chứng chỉ EDGE tại Việt Nam.

Trao tặng Chứng chỉ EDGE Nâng cao cho Trường BUV. 

Trên thực tế, theo thống kê, BUV đã đạt được nhiều chỉ số ấn tượng, vượt điều kiện yêu cầu của chứng chỉ EDGE Nâng cao. Đánh giá của EDGE ghi nhận mức giảm tiêu thụ năng lượng tại BUV là 41%, tiết kiệm nước 22% và giảm năng lượng hàm chứa trong vật liệu lên tới 37%.

Để nhận được thành tích kể trên, trường đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý năng lượng hiệu quả ngay từ ý tưởng thiết kế ban đầu đến thực thi. Quy hoạch tổng thể của trường kết hợp hài hòa các yếu tố xây dựng (chỉ ở mức dưới 20%) - hồ điều hòa - mảng xanh để thiết lập không gian hoạt động tận dụng tối đa năng lượng thiên nhiên. Mỗi năm nhà trường giảm được khoảng 196,27 tấn CO2 phát thải ra môi trường theo đánh giá từ EDGE, tương đương với việc cắt giảm gần 53% tổng lượng phát thải trong cả năm.

BUV đang lên kế hoạch lắp đặt pin mặt trời vào năm 2026 để tăng cường năng lượng bền vững trong vòng 25 năm tới... Đặc biệt, BUV thuộc số ít các trường đại học ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung chú trọng đến việc xây dựng không gian thân thiện với người khuyết tật. Từ bãi đỗ xe, thang máy với bảng điều khiển phù hợp, phòng vệ sinh, lối đi riêng biệt đều đảm bảo không gian cho phép xe lăn di chuyển dễ dàng. Các lớp học cũng được bố trí bàn di động cho người khuyết tật.

Tin, ảnh: MINH KIỀU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.