Theo đó, Trường Đại học Bình Dương đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ở 3 chương trình, gồm: Tài chính-ngân hàng, ngôn ngữ Anh, quản trị kinh doanh. Theo ban giám hiệu nhà trường, các chương trình đào tạo sau khi được kiểm định và công nhận chất lượng, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu để xây dựng và triển khai chương trình đào tạo tiên tiến nhất, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng về mọi mặt trải nghiệm của người học và kết quả của quá trình đào tạo.

Trong tương lai, sinh viên các ngành này sẽ được thụ hưởng điều kiện cơ sở vật chất khang trang hiện đại với hệ thống giảng đường, khu thực hành, thư viện, khu tự học, vui chơi giải trí tiện nghi hơn. Uy tín và cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành đạt chuẩn kiểm định có giá trị cao. Do đó, sinh viên học trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức giáo dục uy tín sẽ là “tấm vé thông hành” cho sinh viên khi tốt nghiệp và tự tin chinh phục nhà tuyển dụng.

Trao giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng cho 3 ngành của Trường Đại học Bình Dương.

Giáo sư, Tiến sĩ Cao Việt Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương cho rằng: Việc kiểm định chất lượng đào tạo và hoạt động đánh giá, ngoài các chương trình đào tạo trong trường đại học là yêu cầu cấp thiết, khẳng định uy tín, vị thế của trường với sinh viên, phụ huynh, nhà tuyển dụng và xã hội, nhà trường luôn cải tiến, phát triển, xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, phù hợp với yêu cầu của xã hội. Trong đó, nhà trường xác định nâng cao chất lượng đào tạo là một quá trình cải tiến không ngừng, bên cạnh đó là lan tỏa tinh thần xây dựng “văn hóa bảo đảm chất lượng” trong các cơ sở giáo dục đại học. 

Dịp này, Trường Đại học Bình Dương đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 6 doanh nghiệp, gồm: Công ty Cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Nam Việt, Công ty Cổ phần PLA 18, Công ty Cổ phần Giáo dục iSMART, Công ty Cổ phần Nghiên cứu, ứng dụng và thực nghiệm công nghệ REAP, Ngân hàng Kiên Long và Công ty TNHH Dịch vụ ICC. Đây là các doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh, tài chính, giáo dục, dịch vụ…

Hoạt động ký kết thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp là cơ hội để nhà trường cùng doanh nghiệp gắn kết đào tạo, tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận đa dạng cơ hội nghề nghiệp, mở rộng cánh cửa nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường. Mô hình hợp tác đào tạo “đơn vị đào tạo - cộng đồng doanh nghiệp” là môi trường lý tưởng giúp sinh viên trau dồi kiến thức, kỹ năng, tăng cường trải nghiệm thực tế.

THUẬN UYÊN