GS Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại buổi làm việc ngày 11-4 tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Cơ chế cần linh hoạt

Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao tri thức; chính sách đầu tư phát triển một số phòng thí nghiệm liên ngành gắn với thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm để phát triển một số ĐH, trường ĐH trọng điểm theo Quyết định 69/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy liên quan đến cơ chế chính sách về phát triển nhóm nghiên cứu (NNC) mạnh, GS Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Bộ GD&ĐT hiện đang lắng nghe những góp ý cho các dự thảo liên quan đến cơ chế này. Do đó, ý kiến từ các nhà khoa học, các nhà quản lý thuộc các cơ sở GDĐH là điều quan trọng để hoàn thiện cơ chế chính sách mà chính các cơ sở GDĐH là đối tượng trực tiếp hưởng thụ.

Đề cập đến Dự thảo quy định hướng phát triển NNC mạnh trong các cơ sở GDĐH, GS Vũ Đình Thành, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng cần đặt ra vấn đề về các tiêu chí cho trưởng NNC mạnh cho phù hợp hơn và chia sẻ theo các lĩnh vực nghiên cứu để có những tiêu chuẩn cụ thể. Đồng thời xem xét về NNC mạnh tiềm năng vì từ những NNC mạnh tiềm năng này trong tương lai sẽ phát triển thành các NNC mạnh.

GS Vũ Đình Thành cũng cho rằng cần đẩy mạnh tự chủ cho các trường đại học về tài chính để chủ động hơn trong việc đầu tư cho các NNC, chuyển giao sản phẩm, khởi nghiệp, sáng tạo cũng như phát triển các phòng thí nghiệm.

Chia sẻ về nội dung đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, TS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh,Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần có một trung tâm, cơ quan độc lập trong trường đại học để hỗ trợ các nhà khoa học đưa kết quả nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo đến với thị trường.

Đặc biệt, các nhà khoa học cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để tạo ra những sản phẩm, sáng chế, giải pháp hữu ích, ứng dụng thiết thực trong xã hội nhằm mang lại giá trị gia tăng về kinh tế. Các trường mong muốn để khuyến khích KHCN trong cơ sở GDĐH, cần có cơ chế linh hoạt, linh động về quy đổi giờ dạy cho các giảng viên tham gia nghiên cứu.

PGS. TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng: Cần có bộ phận chuyển giao công nghệ, không thể để các giáo sư, các nhà khoa học nghiên cứu đi tiếp thị, tìm nguồn ra cho sản phẩm NC có tính ứng dụng cao.

Nhiều giảng viên, nhà khoa học của Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn được nghiên cứu khoa học nhiều hơn. Đồng thời đánh giá cao 3 dự thảo chính sách cho KHCN trong các cơ sở GDĐH hiện nay đang rất được đội ngũ các nhà khoa học trong các cơ sở GDĐH quan tâm, khẳng định đó chính là các nút thắt cơ chế rất cần sớm được tháo gỡ. 

PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Trưởng Khoa Cơ khí- Công nghệ Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Mục tiêu và hướng đi của Bộ GD&ĐT thông qua các Dự thảo lần này hoàn toàn phù hợp thực tiễn hiện nay. Nếu giải quyết tốt cơ chế tài chính khoán đến sản phẩm nghiên cứu cuối cùng, nhằm giảm các thủ tục hành chính cho các nhà khoa học thì việc xây dựng thành công các nhóm NCM trong các trường đại học, với hướng nghiên cứu chuyên sâu giải quyết các bài toán lớn của thị trường công nghệ Việt Nam hiện nay, hướng đến việc hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc là điều hoàn toàn khả thi.

Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS Lê Đình Đôn- Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh khẳng định: Dự thảo cần hướng đến tháo “nút thắt”, tạo cơ chế thông thoáng hơn cho chính đội ngũ nghiên cứu. Trong đó, cho phép các nhà khoa học là tác giả các giải pháp công nghệ có thể thành lập doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH và được phép làm giám đốc doanh nghiệp này. Nếu không thì rất khó có thể xây dựng thành công mô hình khởi nghiệp doanh nghiệp trong các cơ sở GDĐH hiện nay.

GS Tạ Ngọc Đôn thăm khu Công nghệ Phần mềm-ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Hướng tới mô hình liên trường, liên khu vực

Lý giải về tiêu chuẩn đề ra cho người đứng đầu NNC mạnh, GS Tạ Ngọc Đôn cho rằng: NNC mạnh nên hình thành từ một số nhà khoa học cùng hướng nghiên cứu chính, nhưng mang tính liên ngành, từ một hoặc một số trường trong nước và quốc tế, chứ không phải chỉ trong một trường, và cũng không bắt buộc trường nào cũng phải có NNC mạnh.

Tiêu chuẩn đặt ra là NNC mạnh phải có chương trình nghiên cứu vươn tầm, khả thi trong 5-10 năm tới, giải quyết các vấn đề mang tầm quốc gia, tiên phong trong từng lĩnh vực mà đất nước đang cần. Tương tự, Bộ GD&ĐT kỳ vọng xây dựng mô hình phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Bộ liên trường, liên khu vực, lĩnh vực chứ không phải đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm dành riêng cho một trường nào cả. Đầu tư tập trung, không dàn trải và các phòng thí nghiệm này phải hoạt động theo cơ chế mở, tất cả các nhà khoa học có nhu cầu đều có thể đến làm việc.

Chú trọng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên và nhất là trong cán bộ của các trường gắn với chuyển giao công nghệ để đưa các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Đầu tư phát triển một số phòng thí nghiệm liên ngành gắn với thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm để phát triển một số ĐH, trường ĐH trọng điểm...

Theo GS Tạ Ngọc Đôn, những góp ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho các Dự thảo liên quan đến việc xây dựng các cơ chế chính sách về phát triển NNC mạnh trong cơ sở GDĐH; Khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong cơ sở GDĐH, cho thấy điểm nghẽn lớn nhất là cơ chế chính sách đối với sự phát triển KHCN của các trường ĐH hiện nay. Nếu không nhanh chóng hiện thực hóa các chính sách này thì việc giải phóng, khai phá sức sáng tạo của các nhà khoa học sẽ tiếp tục gặp khó khăn, khó có thể xây dựng thành công ĐH trọng điểm, ĐH thông minh theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025.

Bài, ảnh: TRUNG TÂM