Vì vậy, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần sự hợp tác tổng thể với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp công nghệ, gia đình và nhà trường.
Theo Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững và Tổ chức Cứu trợ trẻ em, 66,1% trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận thiết bị kết nối internet. Trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình từ 1 đến 3 giờ trong ngày. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thành Hưng nhận định: Trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế, như: Gia đình, người thân, nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em… Tuy nhiên, trên môi trường mạng còn thiếu rất nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em như cách chúng ta làm trong cuộc sống thực.
 |
Trẻ em chơi trò chơi trực tuyến. (Ảnh mang tính chất minh họa). |
Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho thấy, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình từng là nạn nhân của đe dọa trực tuyến trên internet. Theo đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an): Hằng năm, Bộ Công an tiếp nhận hơn 1.500 vụ việc liên quan đến trẻ em. Trong đó, số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn.
Bàn về hậu quả của các hành vi lạm dụng trẻ em trên không gian mạng, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em UNICEF Việt Nam Lê Hồng Loan bày tỏ: "Không giống như các hình thức xâm hại khác, xâm hại trẻ em trên không gian mạng đồng nghĩa với việc mỗi khi hình ảnh được gửi đi hoặc được xem, trẻ em lại bị tổn thương thêm một lần nữa".
Chia sẻ về những giải pháp nhằm giảm rủi ro cho trẻ em khi tham gia không gian mạng, trong hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng" giai đoạn 2020-2025 do Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức mới đây, bà Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nêu quan điểm: “Chúng ta chỉ có thể thực hiện việc bảo vệ trẻ em nếu có sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia, liên khu vực. Đồng thời, chúng ta cần phải lấy ý kiến của trẻ em để tìm ra cách giải quyết các vấn đề về trẻ em. Phải để trẻ em phát biểu ý kiến của mình một cách dân chủ, để trẻ em nói về những điều trẻ em lo lắng, trẻ em cần giúp đỡ”.
Trên góc độ của cơ quan quản lý về an toàn an ninh mạng, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin Hoàng Minh Tiến xác định, nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng là tác động của cuộc cách mạng công nghệ, do đó vấn đề này phải được giải quyết bằng công nghệ. Ông Hoàng Minh Tiến cho biết, cơ quan quản lý sẽ làm việc, nghiên cứu để có hệ thống không chỉ phát hiện được nội dung văn bản mà còn phát hiện được cả video, hình ảnh có ảnh hưởng xấu tới trẻ em, đồng thời tránh tán phát, lưu trữ nội dung.
Ngoài việc cần tiếp tục hoàn thiện các hành lang pháp lý, giải quyết các tồn tại trong cơ chế, chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin cũng đề cập đến trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, hấp dẫn, bổ ích dành cho trẻ, để trẻ tránh xa các yếu tố xấu, độc trên môi trường mạng.
Liên quan đến vấn đề trên, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) Đỗ Công Anh cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp làm nội dung cho trẻ em, như: Ưu tiên cấp phép, giảm thuế, miễn cước 3G, 4G cho các doanh nghiệp này.
Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh đưa ra lời khuyên, nếu muốn khai thác thị trường nội dung số cho trẻ em, doanh nghiệp công nghệ nên cân nhắc làm "microlearning", tức là cung cấp các bài học chỉ trong thời gian 3-5 phút, kiên trì trong thời gian dài để tạo thói quen và hứng thú cho người dùng.
Phó trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam, bà Lesley Miller cũng đưa ra đề xuất, trẻ em cần phải biết rằng không bao giờ được cung cấp thông tin cá nhân hay chấp nhận lời mời kết bạn với những người mà mình không biết và không tin tưởng trên môi trường internet. Để trẻ làm được điều này, cha mẹ cần đưa ra những lời khuyên đúng đắn. Việc thiết lập được sự tin tưởng, thấu hiểu, tôn trọng quyền riêng tư giữa học sinh và phụ huynh có vai trò rất lớn để định hướng các em khi tham gia truy cập internet cũng như giúp các em vượt qua khủng hoảng khi gặp rủi ro trên không gian mạng.
Bài và ảnh: BẢO ANH