Sau gần 4 giờ đồng hồ tại phòng thi, hầu hết trên gương mặt của nhiều sĩ tử đều mệt mỏi và căng thẳng nhưng việc hoàn thành tốt bài thi khiến các em phấn khởi. Các em đều cho biết đề thi môn tổ hợp vừa sức, đối với khoa học tự nhiên có tính phân loại cao, khoa học xã hội có nhiều câu “bẫy” khiến thí sinh dễ rơi vào “ma trận”.
 |
Các thí sinh vui vẻ rời phòng thi. |
 |
Chị Đinh Thị Thu Lý (áo trắng) vượt hơn 100km từ thành phố Hải Phòng lên Hà Nội đồng hành cùng con trong suốt 2 ngày thi. |
Vượt hơn 100km từ Hải Phòng đến Hà Nội để đưa con đi thi, chị Đinh Thị Thu Lý (thành phố Hải Phòng) cho biết: “Con tôi học ở Hà Nội từ nhỏ, để động viên con tôi lên trước hôm thi 1 ngày. Tôi động viên con đã có sự chuẩn bị cho kỳ thi trong suốt 3 năm học chứ không riêng gì 2 ngày thi này. Khi con đã thoải mái thì sẽ tự tin, đạt được nguyện vọng con đăng ký. Ngoài chuẩn bị kiến thức, gia đình cũng chuẩn bị tốt cho con về sức khỏe tốt bước vào kỳ thi”.
Theo chia sẻ từ chị Lý, kết thúc buổi đầu tiên, kết quả làm bài của con rất tốt. “Bây giờ chỉ chờ kết quả, mình không có đặt nặng áp lực điểm số nên cũng không hỏi con được mấy điểm. Năm nay, con đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Truyền thông đa phương điện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền”, chị Lý nói.
Anh Lương Xuân Bình (quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Bố mẹ nào cũng vậy, rất kỳ vọng và mong muốn con đạt kết quả tốt nhất vì đây là kỳ thi rất quan trọng đối với cuộc đời của các con. Kỳ vọng ở đây là kết quả của quá trình các thầy, các cô đã dạy dỗ, bồi dưỡng trong suốt 12 năm học chứ thực tế cháu đã đăng ký trúng tuyển 5 nguyện vọng vào các trường Đại học Giao thông vận tải, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Việt Pháp… nhờ vào học bạ THPT và chứng chỉ IELTS 7.5”.
 |
Thí sinh phấn khởi chia vui với người thân. |
Là thí sinh bước ra đầu tiên tại điểm thi Trường THPT Mỹ Đình, Hà Nội, em Nguyễn Trọng Hiếu (Trường Phổ thông năng khiếu Thể dục Thể thao) đánh giá bài thi tổ hợp Khoa học xã hội có tính phân hóa, nhất ở hai môn Địa lý và Lịch sử. Em chia sẻ: “Môn Lịch sử và Địa lý cũng tương đối sát với khối lượng kiến thức mà đề minh họa đưa ra. Tuy nhiên, những câu có tính vận dụng nâng cao đều có "bẫy" gây sự nhầm lẫn cho em, kiến thức này đòi hỏi thí sinh phải thuộc kỹ kiến thức sách giáo khoa và kiến thức xã hội mới có thể làm đúng được”.
 |
Các thí sinh cho biết đề thi tổ hợp xã hội tương đối hay, đạt được điểm 8 là không khó. |
Chưa hết 2/3 thời gian để hoàn thành bài môn Giáo dục công dân, em Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Trường Phổ thông năng khiếu Thể dục Thể thao) cho biết đề thi năm nay tương đối dễ “thở”, nhiều câu chỉ cần đọc câu hỏi đã có thể biết đáp án nếu học chắc kiến thức sách giáo khoa.
Cũng tương tự với 3 môn tổ hợp xã hội, các thí sinh làm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên cho biết đề thi năm nay tương đối sát với các đề minh họa, các câu khó, dễ được phân bổ hợp lý.
Em Trần Duy Anh (Trường THPT Mễ Trì) chia sẻ: “30 câu đầu của môn Hóa tương đối dễ, các câu sau có tính vận dụng nên khó hơn so với các bạn có học lực trung bình. Các bạn dùng kết quả xét tốt nghiệp thì có thể chắc chắn được khoảng 5-6 điểm. Ở môn Vật lý, em thấy khó nhất chính là phần dao động cơ của chương trình lớp 11, dù chiếm không nhiều nhưng tương đối khó”.
Đối với môn Sinh học, đa số các em chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp chứ không xét tuyển đại học nên đều khó khăn trong việc phán đoán đề khó hay dễ. Nếu học bài thì thí sinh sẽ có thể đạt được phổ điểm từ 5-6 điểm dễ dàng.
 |
Nụ cười của con là niềm vui của cha. |
Tại Điện Biên, Ban Chỉ đạo Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Điện Biên chỉ đạo yêu cầu các điểm thi kiểm soát, siết chặt an ninh, an toàn thi. Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: “Ngay từ đầu, Ban Chỉ đạo thi đã quán triệt rất cụ thể, rõ ràng về công tác tổ chức, các yêu cầu, quy định, quy chế và điểm mới của kỳ thi năm nay. Đặc biệt là công tác an ninh, an toàn thi được triển khai rất chặt chẽ, nghiêm túc tuyệt đối. Ngay sau khi nắm bắt thông tin dư luận về việc lộ, lọt đề thi xảy ra tại một số địa phương, Ban Chỉ đạo thi đã có chỉ đạo “nóng” đến các Trưởng điểm thi trên toàn địa bàn”.
 |
Thí sinh trao đổi nội dung ôn luyện trước giờ thi tại điểm thi Trường THPT Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). |
Sáng 29-6, hơn 6.600 thí sinh tỉnh Điện Biên tiếp tục kỳ thi với bài thi tổ hợp tự chọn: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Năm nay, số thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học xã hội chiếm đa số. Trong tổng số hơn 6.600 thí sinh dự thi, các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân có số lượt đăng ký dự thi lớn, từ hơn 5.100 đến gần 5.900 lượt/môn. Các môn tổ hợp Khoa học tự nhiên: Hóa học, Sinh học, Vật lý chỉ có hơn 700 thí sinh đăng ký/môn.
Thông tin từ Ban chỉ đạo kỳ thi, sáng nay không có thí sinh nào vắng ở môn thi Vật lý, Hóa học, Sinh học; Lịch sử vắng 29 thí sinh; Địa lý vắng 31; Giáo dục công dân vắng 20. Số thí sinh vắng mặt ở cả 3 buổi thi đều trùng nhau. Trong đó, có 14 thí sinh được miễn theo quy định, 3 thí sinh ốm và 4 bỏ thi.
 |
Thí sinh quên không máy tính hay atlat được mượn tại khu vực bàn bên ngoài điểm thi Trường THPT Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên). |
Theo nhận định của cô Trần Thị Hà My, giáo viên Địa Lý, Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội: Đề thi môn Địa lý bám sát đề minh họa, phổ điểm có khả năng giảm so với năm 2022. Ma trận đề khá quen thuộc với 21 câu lý thuyết chia đều cho tất cả các nội dung: phần tự nhiên 4 câu (1,0 điểm), phần dân cư xã hội 2 câu (0,5 điểm), phần kinh tế chung và các ngành 7 câu (1,75 điểm), phần vùng kinh tế 7 câu (1,75 điểm) và 1 câu biển đảo (0,25 điểm). Tỷ lệ câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao là 8 câu (2,0 điểm).
Môn Địa lý vẫn thường được coi là môn “dễ thở” đối với học sinh khi ôn luyện cho kỳ thi THPT Quốc gia bởi số câu hỏi kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng khai thác thông tin từ Atlat chiếm tỷ lệ rất cao: 15 câu hỏi Atlat chiếm 3,75 điểm, đều ở mức độ nhận biết, 4 câu hỏi liên quan đến bảng số liệu, biểu đồ chiếm 1,0 điểm, với 0,5 điểm ở mức độ thông hiểu và 0,5 điểm vận dụng. Tuy nhiên, với đề thi THPT năm 2023, học sinh cần thật cẩn thận, nếu không phân bổ thời gian làm phần kỹ năng phù hợp sẽ không kịp làm trọn vẹn đề thi.
Với Mã đề 308, nhóm câu hỏi Atlat khá dễ, tương tự đề minh họa của Bộ GD-ĐT, học sinh trung bình - khá có thể làm được 12 câu trở lên.
2 câu hỏi vận dụng về biểu đồ yêu cầu học sinh cần thật sự hiểu bản chất. Đặc biệt là câu nhận biết dạng biểu đồ phù hợp, khác mọi năm là lựa chọn 1 loại biểu đồ, câu hỏi năm nay là lựa chọn nhiều dạng biểu đồ phù hợp. Nhiều học sinh sẽ mất điểm ở câu này.
Nhóm câu hỏi lý thuyết ở mức độ nhận biết và thông hiểu dễ gây nhầm lẫn cho học sinh, phổ điểm năm 2023 có thể thấp hơn do nhóm câu hỏi này không dễ dàng lựa chọn như các năm học trước.
|
Phụ huynh chia sẻ tâm tư sau khi con kết thúc bài thi "kép". |
Bài, ảnh: HÀ HIẾU HIỀN