Đó là rào cản lớn để bà con có thể tiếp cận, học hỏi, trao đổi những kỹ thuật, công nghệ mới trên nhiều lĩnh vực và nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, góp phần vào phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Qua nghiên cứu khảo sát của Ủy ban Dân tộc, đã có nhiều quy hoạch, đề án, chương trình phát triển ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, nhưng chưa có đề án nào trọng tâm hướng tới đồng bào DTTS. Các chương trình, đề án, dự án của Nhà nước tập trung chủ yếu vào phát triển KT-XH cho đồng bào DTTS, chưa có các ứng dụng CNTT dành riêng, phù hợp với trình độ, nhận thức, ngôn ngữ, tập quán của đồng bào DTTS.

Cũng theo số liệu của Ủy ban Dân tộc, việc tiếp cận máy vi tính và internet đối với đồng bào DTTS còn hạn chế; cụ thể là tỷ lệ có máy tính, được sử dụng máy tính và có kết nối internet còn thấp. Radio, cát-sét là loại phương tiện thu sóng phát thanh có chi phí thấp và dễ tiếp cận nhất đối với các hộ gia đình DTTS, nhưng tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có radio, cát-sét cũng còn rất thấp. Tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có điện thoại cũng chưa cao. Các hộ dân tộc: Xơ Đăng, Khơ Mú, Chứt, Mảng, Rơ Măm, La Hủ, Brâu... chỉ có dưới 40% số hộ có điện thoại.

Nguyên nhân của tình trạng trên được Ủy ban Dân tộc chỉ rõ: Cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông chưa được xây dựng đầy đủ và phủ sóng ở tất cả các vùng DTTS, làm hạn chế khả năng truy cập, tiếp cận và khai thác thông tin trên internet của đồng bào DTTS. Nguồn nhân lực CNTT của vùng DTTS còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, chưa đáp ứng với những thay đổi nhanh và mạnh của CNTT ứng dụng trong các lĩnh vực. Các vùng DTTS còn nhiều khó khăn nên kinh phí đầu tư chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng; kinh phí cho ứng dụng CNTT chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức... Cùng với đó, nhận thức của bà con ở một số vùng DTTS còn hạn chế, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

Khảo sát rõ thực trạng nêu trên và xác định tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT vào đời sống, Ủy ban Dân tộc đã triển khai xây dựng Đề án “Hỗ trợ đồng bào DTTS tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS”. Mục tiêu của đề án là ứng dụng CNTT phục vụ cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn phát triển KT-XH; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức bảo đảm an ninh trật tự cho đồng bào DTTS. Theo đó, CNTT được ứng dụng trong các lĩnh vực: Tư vấn các vấn đề xã hội cho đồng bào DTTS; giáo dục và đào tạo nghề, việc làm, khởi nghiệp; y tế; giao thông, vận tải; môi trường; bảo tồn, phát triển, phổ biến, quảng bá văn hóa của đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, hỗ trợ người có uy tín ứng dụng CNTT để nâng cao trình độ tuyên truyền và kiến thức pháp luật; xây dựng các điểm hỗ trợ đồng bào ứng dụng CNTT để phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh trật tự.

Đánh giá về việc xây dựng dự án, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng cho rằng: Để phát triển KT-XH vùng DTTS, bà con sẽ phải tập trung vào sản xuất hàng hóa; tăng cường các dịch vụ. Những lĩnh vực này đòi hỏi thông tin cập nhật về dự báo thời tiết, mùa vụ, giá cả… từ đó biết trồng cây gì, nuôi con gì, bán ở đâu, bán giá bao nhiêu, vào thời điểm nào là tốt nhất. Chính vì vậy, CNTT sẽ là kênh quan trọng để đồng bào tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả với thị trường. Bên cạnh đó, một số tổ chức phản động cũng đang sử dụng các kênh thông tin để tạo ra những dư luận không đúng đắn, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự vùng DTTS. Thực tế này đòi hỏi thông tin chính thống phải nhanh hơn, độ phủ rộng hơn để giúp đồng bào có nhận thức đúng về chế độ, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã quan tâm dành cho vùng DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa.

 Để triển khai xây dựng đề án, Ủy ban Dân tộc đã tiến hành xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện được đề án nêu trên cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng CNTT trong khai thác thông tin phục vụ lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập thường xuyên cho cán bộ, công chức trong ngành công tác dân tộc về kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT, an toàn, an ninh thông tin để có thể thực hiện các quy trình tin học hóa về nghiệp vụ và tác nghiệp. Chủ động tiến hành đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức mới tuyển dụng về kỹ năng sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào. Trong đầu tư hạ tầng CNTT, cần thay đổi cách tiếp cận, chú trọng công-tư kết hợp để đạt hiệu quả cao. Cần xác định rõ đối tượng hướng tới của đề án để đưa các chính sách, thông tin, ứng dụng thông tin sát với nhu cầu thực tế của đồng bào theo hướng đầu tư thiết thực, phù hợp với vùng DTTS và miền núi. Một nội dung hết sức cần thiết là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức để bà con có ý thức chủ động ứng dụng CNTT vào cuộc sống.

LƯƠNG NGỌC HẢI