Nhấn mạnh Chiến lược có tầm quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chính sách giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Phó thủ tướng nêu rõ, phát triển nguồn nhân lực chính là sự gợi mở tư duy đột phá, đổi mới cho ngành giáo dục, tận dụng công nghệ Cuộc cách mạng lần thứ tư, kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một thế giới đang phát triển và hội nhập toàn cầu. Do đó, Chiến lược cần có điểm nhấn, nhiệm vụ trọng tâm, tư duy cốt lõi; kiên trì định hướng đúng đắn nhưng cũng có sự thay đổi, đột phá.

leftcenterrightdel
Quang cảnh cuộc họp. 

Theo Phó thủ tướng, Chiến lược phải kiên trì thực hiện mục tiêu, quan điểm trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế về cơ sở giáo dục, đào tạo, người dạy, người học... Từ đó xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp chương trình, tiêu chuẩn, tiêu chí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… đối với từng bậc học (phổ thông, học nghề, đại học, sau đại học); gắn kết giữa cung cấp kiến thức, kỹ năng và tư duy tự học, giữa thực học và thực nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cũng như quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế.

Chiến lược cần xây dựng cách tiếp cận khoa học, bài bản, khả thi; có lộ trình, kế hoạch, nguồn lực, giải pháp rõ ràng, đồng bộ, trọn gói; xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong dự báo nhu cầu, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội… trong quá trình thực hiện.

Phó thủ tướng lưu ý, cần tính đến cấu trúc của nền kinh tế, các ngành công nghiệp trong tương lai, trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình tham gia vào quá trình hoạch định mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với ngành giáo dục... 

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.