Gần đây, Facebook đã khởi động một chương trình dài hạn với mục tiêu cải thiện bảng tin (Feed) và giúp các nhà sáng tạo nội dung tài năng có cơ hội bứt phá, bắt đầu bằng các nỗ lực nhằm giảm thiểu nội dung spam. Chỉ trong nửa đầu năm 2025, Facebook đã xử lý khoảng 500.000 tài khoản tham gia vào hành vi spam hoặc tương tác giả mạo, đồng thời áp dụng các biện pháp như hạn chế bình luận, giảm mức độ phân phối nội dung, và ngăn chặn các tài khoản spam này tạo doanh thu. Nền tảng cũng đã gỡ bỏ khoảng 10 triệu tài khoản mạo danh các nhà sản xuất nội dung lớn.

Dù vậy, vấn nạn nội dung spam, từ các video, hình ảnh đến bài đăng, vẫn thường xuyên xuất hiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng mà còn gây trở ngại cho những nhà sáng tạo nội dung nhiệt huyết trong việc tạo ấn tượng với công chúng.

Meta đang thử nghiệm nhiều tính năng để bảo đảm quyền lợi cho các nhà sáng tạo nội dung. 

Nội dung spam là gì?

Nội dung spam là nội dung không nguyên bản, mà được sao chép hoặc tái sử dụng nhiều lần mà không ghi nguồn, không xin phép hoặc không chỉnh sửa nội dung một cách rõ ràng, hợp lý. Meta hoàn toàn ủng hộ việc chia sẻ nội dung hoặc làm video phản hồi khi có yếu tố sáng tạo cá nhân. Tuy nhiên, Meta sẽ xử lý nghiêm các trường hợp chỉ đơn thuần đăng lại nội dung của người khác để trục lợi.

Trong thời gian tới, Meta sẽ tiếp tục cập nhật thêm các công cụ và chính sách để bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng sáng tạo nội dung.  

Các biện pháp xử lý nội dung spam

Meta sẽ giảm mức độ phân phối đối với toàn bộ nội dung từ những tài khoản thường xuyên tái sử dụng nội dung của người khác một cách không hợp lệ, đồng thời tạm dừng khả năng tạo doanh thu của những tài khoản này. Với các video bị phát hiện trùng lặp, Facebook sẽ ưu tiên phân phối bản gốc và giảm hiển thị các bản sao chép. Meta cũng đang thử nghiệm tính năng gắn liên kết dẫn người xem về nội dung gốc, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà sáng tạo.

Meta khuyến khích nhà sáng tạo tuân thủ một số nguyên tắc để nội dung có thể tiếp nhận người xem hiệu quả hơn như: 

Tạo nội dung gốc: Nội dung tự quay, tự sản xuất luôn có ưu thế phân phối cao hơn. Nhà sáng tạo có thể chia sẻ cùng nội dung trên các tài khoản mạng xã hội của mình.

Thêm yếu tố sáng tạo rõ ràng: Nếu bạn sử dụng nội dung từ nguồn khác, hãy chỉnh sửa hoặc thêm bình luận, lời thoại để tạo giá trị mới cho người xem. Những chỉnh sửa đơn giản như ghép nối các đoạn video hoặc thêm watermark sẽ không được coi là yếu tố chỉnh sửa mang lại ý nghĩa.

Kể câu chuyện có chiều sâu: Nội dung có thông điệp hoặc kể chuyện chân thật thường thu hút người xem hơn. Dù nội dung có thời lượng ngắn hay dài, bạn đều có thể chia sẻ trên Facebook, nhưng hãy tránh các video quá ngắn và không mang lại giá trị cho người xem.

Tránh chèn watermark hoặc đăng lại từ ứng dụng khác.

Viết caption chất lượng: Tránh viết hoa toàn bộ, chèn link và chỉ nên dùng tối đa 5 hashtag.

Facebook sẽ lần lượt triển khai những cập nhật này trong thời gian tới để đảm bảo các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng này làm quen với sự thay đổi này.

Minh bạch hơn với nhà sáng tạo

Meta cũng ra mắt tính năng phân tích chi tiết từng bài đăng (post-level insights) trên Professional Dashboard, giúp người dùng hiểu rõ lý do nội dung bị hạn chế hiển thị. Ngoài ra, trong mục hỗ trợ (support) trên trang hoặc hồ sơ chuyên nghiệp, nhà sáng tạo có thể theo dõi tình trạng phân phối và tạo doanh thu của tài khoản.

HỒNG QUANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.