Đến năm 2025, Việt Nam sẽ có tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế

Bộ TT&TT đã họp với các doanh nghiệp viễn thông để xử lý sự cố đứt cáp quang biển, đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế. Cụ thể, trong tháng 2-2022 và tháng 6-2022, cáp AAG lần lượt gặp sự cố trên cả 2 hướng kết nối đi Singapore và Hồng Kồng (Trung Quốc). Với hướng cáp Singapore, AAG gặp sự cố trên các nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei) và Sriracha (Thái Lan); còn ở hướng kết nối Hồng Kồng (Trung Quốc), AAG bị lỗi trên nhánh S1H vào Việt Nam và S1I vào Hồng Kồng (Trung Quốc). Trong những lỗi này, đã có sự cố trên nhánh S1H và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei) được khắc phục xong.

Tiếp đó, vào ngày 24-11-2022, tuyến cáp AAE-1 gặp sự cố trên nhánh S1H.1 hướng kết nối đi Hồng Kồng (Trung Quốc) (cách trạm cập bờ Hồng Kồng (Trung Quốc) khoảng 3,21km). Sự cố làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kồng (Trung Quốc) trên tuyến cáp AAE-1.

Ngày 11-12-2022, tuyến cáp AAG tiếp tục xảy ra sự cố trên nhánh S1I hướng kết nối đi Hồng Kồng (Trung Quốc) (vị trí lỗi cách trạm cập bờ Hồng Kông khoảng 149km). Với tuyến APG, lần lượt vào các ngày 26-12-2022 và 21-1-2023 (tức 30 Tết), tuyến cáp APG gặp sự cố trên các nhánh S6 hướng kết nối đi Hồng Kồng (Trung Quốc) (vị trí lỗi cách trạm cập bờ Hồng Kông khoảng 126km) và S9 hướng kết nối đi Singapore (cách trạm cập bờ Singapore khoảng 149km). Hai sự cố này gây mất toàn bộ dung lượng trên tuyến cáp APG.

Đến ngày 28-1-2023, tiếp tục xảy ra sự cố trên tuyến cáp biển IA. Nguyên nhân được xác định do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore của tuyến cáp khoảng 130km. Hậu quả là mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore của tuyến cáp Liên Á (IA).

Trong 4 tuyến này, 2 tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, còn 2 tuyến IA và AAE-1 vẫn còn một phần đang hoạt động. Thời điểm hiện tại, còn tuyến SMW-3 đi Hồng Kồng (Trung Quốc) và Singapore vẫn đảm bảo kết nối 100%; tuyến AAE-1 đi Singapore đảm bảo 100% và tuyến IA đi Hồng Kồng (Trung Quốc) đảm bảo 100%.

Ngay sau sự cố xảy ra, Bộ TT&TT đã thành lập Ban chỉ đạo khắc phục sự cố và xây dựng quy hoạch quốc gia về cáp quang biển do Thứ trưởng Phạm Đức Long làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông để xử lý vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến việc phải đảm bảo kết nối internet đi quốc tế của Việt Nam không chỉ đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp đến người dùng mà còn giúp cho các hoạt động kinh tế internet được kết nối thông suốt.

Theo báo cáo, tất cả doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi sự cố. Không riêng gì Việt Nam mà các quốc gia trong khu vực châu Á đều bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng biện pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo kết nối đi quốc tế. Cụ thể, nhà mạng phải đảm bảo dung lượng sử dụng thực tế của khách hàng vào giờ cao điểm sẽ luôn ở mức không quá 90% dung lượng quốc tế mà nhà mạng có thể đáp ứng để không bị nghẽn. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo xử lý sự cố và các doanh nghiệp viễn thông cần chuẩn bị cho tình huống cáp biển có thể gặp sự cố tiếp để có phương án đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam, thúc đẩy nhanh thêm các tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế nhằm bảo đảm vai trò dẫn dắt, làm chủ của Việt Nam, trong bất kỳ phương án nào (có hoặc không có sự tham gia của đối tác nước ngoài), doanh nghiệp Việt Nam phải giữ vị trí đứng đầu, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành xây dựng tuyến mới. Như vậy, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế.

“Trong khó khăn, Bộ TT&TT sẽ đóng vai trò dẫn dắt doanh nghiệp và cùng nhau giải các bài toán kết nối cáp quang biển đi quốc tế. Khi mà các tuyến cáp quang biển kết nối đi Hồng Kồng (Trung Quốc) và Singapore gặp nhiều khó khăn thì chúng ta lại nhìn thấy cơ hội để Việt Nam trở thành hub kết nối đi quốc tế. Hiện nay khi công nghệ và dung lượng tăng mạnh cũng là cơ hội cho Việt Nam mở các tuyến cáp quang biển mới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh, cần mở thêm các tuyến cáp quang biển với nhiều hướng kết nối khác nhau do doanh nghiệp Việt Nam chung tay xây dựng, triển khai phương án cụ thể đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo kết nối internet Việt Nam đi quốc tế.

leftcenterrightdel
Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ có tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế. Ảnh: Cao Hưng.

Khi nhiều tuyến cáp quang biển đồng loạt gặp sự cố, các doanh nghiệp viễn thông phải hỗ trợ nhau

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Nam Long, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, VNPT kết nối cáp biển đi quốc tế theo 3 đường sang Hồng Kồng (Trung Quốc), Singapore và Nhật. Sau khi sự cố xảy ra, VNPT đã làm việc với các đối tác mở thêm kênh kết nối trên đất liền. Theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, VNPT đang tiếp tục mở rộng thêm dung lượng quốc tế trên đất liền, triển khai thêm các biện pháp tối ưu đảm bảo kết nối đi quốc tế cho khách hàng. Ông Nguyễn Nam Long đồng tình rằng, khi hướng đi Hồng Kồng (Trung Quốc) và Singapore đang khó khăn là cơ hội để Việt Nam trở thành hub kết nối đi quốc tế. VNPT cam kết tham gia cùng các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng thêm tuyến cáp quang biển của Việt Nam đi quốc tế.

Cũng tại cuộc họp này, đại diện Viettel cho biết, Viettel có 4 tuyến cáp quang biển kết nối vào các hub chính là Hồng Kồng (Trung Quốc), Singapore, Mỹ và châu Âu. Khi sự cố xảy ra thì Viettel vẫn có tuyến cáp biển kết nối đi sang Singapore và Hồng Kồng (Trung Quốc). Viettel cũng nhanh chóng mở thêm kênh kết nối trên đất liền để đảm bảo dung lượng kết nối đi quốc tế phục vụ khách hàng. Đến thời điểm này, Viettel đảm bảo đủ dung lượng kết nối đi quốc tế cho dù 4 tuyến cáp quang biển đều gặp sự cố.

Đại diện MobiFone và FPT cho biết đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo dung lượng kết nối đi quốc tế. Hai doanh nghiệp này khẳng định cùng với Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng quy hoạch cáp quang biển cũng như đầu tư vào các quyến cáp quang biển do Việt Nam triển khai. MobiFone và FPT cũng đồng tình với phương án tăng cường thêm tuyến cáp quang trên đất liền để các doanh nghiệp làm dự phòng.

Với giải pháp kỹ thuật và tăng dung lượng những tuyến cáp quang trên đất liền, các doanh nghiệp viễn thông khẳng định sẽ đảm bảo chất lượng dịch vụ internet cho khách hàng. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn có thể cần thêm sự chia sẻ dung lượng của các đơn vị khác.  

“Khi nhiều tuyến cáp quang biển đồng loạt gặp sự cố, ảnh hưởng đến kết nối internet của Việt Nam thì các doanh nghiệp viễn thông phải hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn này. Nếu sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật mà vẫn bị nghẽn thì các doanh nghiệp còn dung lượng sẽ san sẻ kết nối đi quốc tế cho doanh nghiệp thiếu để đảm bảo chất lượng dịch vụ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo.

Bắt đầu từ đêm nay 10-2, các doanh nghiệp viễn thông cam kết sẽ đảm bảo kết nối internet đi quốc tế không bị nghẽn.  

VĂN PHONG - THÁI KHANG