Nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân

Các doanh nghiệp chỉ được cung ứng các dịch vụ Mobile Money (hay tiền di động) để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định hiện hành để phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân. Dịch vụ này chỉ áp dụng với các giao dịch nội địa, hạn mức giao dịch tối đa 10 triệu đồng/tháng.

Việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Mobile Money là một ví dụ thuyết phục về việc nhà mạng viễn thông có thể trở thành nền tảng của nhiều thứ, chứ không chỉ là hạ tầng viễn thông như hàng trăm năm nay. Chúng ta cũng sẽ kỳ vọng nhiều hơn nữa vào các nhà mạng trong việc tự chuyển mình để trở thành nền tảng của dữ liệu, của Computing, của nội dung số, của xác thực, của dịch vụ IT, của IoT...

Hạn mức giao dịch tối đa 10 triệu đồng/tháng. 

Hiện Mobile Money đã có mặt và phát triển tại 95 quốc gia trên thế giới với hơn 1 tỷ tài khoản được đăng ký, với lượng giao dịch trung bình 1,9 tỷ USD mỗi ngày, không những cho phép khách hàng nạp tiền, lưu trữ, thanh toán, rút tiền và chuyển khoản nhanh chóng dưới dạng tiền điện tử thông qua mạng thông tin di động, mà còn cung cấp các dịch vụ khác như tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm… tới mọi người dân.

"Chúng ta đã nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đến đổi mới sáng tạo, nhưng lại quên nói đến một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán. Muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money. Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay. Với hai đặc điểm chính là tính phổ cập và thanh toán giá trị nhỏ, Mobile Money sẽ góp phần cùng hệ thống ngân hàng và các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác cung ứng đầy đủ các phương tiện thanh toán cho người dân lựa chọn tùy theo nhu cầu của mình", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hơn 30% khách hàng chưa có tài khoản còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất, đây cũng là đối tượng rất cần tới tài chính toàn diện.

Nhà mạng chạy đua cung cấp dịch vụ Mobile Money

“Với sứ mệnh chủ lực tiên phong kiến tạo xã hội số, Viettel là doanh nghiệp đi đầu trong công cuộc phổ cập tài chính số đến người dân Việt Nam thông qua tiền di động. Việc triển khai tiền di động dễ dàng được sử dụng tại cả thành thị và nông thôn, việc thanh toán, chuyển tiền, đặc biệt cáo giao dịch tiền lẻ hằng ngày sẽ trở nên dễ dàng với người dân hơn bao giờ hết”, ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết.

"Trong 2 năm tới sẽ là khoảng thời gian hết sức quan trọng để tiền di động thể hiện giá trị trong công cuộc hỗ trợ đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Đồng hành cùng chủ trương và định hướng chung của Nhà nước, Viettel sẽ đưa tiền di động tới gần với người dân trong thời gian nhanh nhất, với quy mô rộng nhất có thể, đảm bảo để ai cũng có thể tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam", ông Phạm Trung Kiên khẳng định.

Để triển khai dịch vụ này, Viettel áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất - với lợi thế sở hữu các đơn vị an ninh mạng, không gian mạng đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ. Công nghệ tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng. Trong quá trình triển khai Viettel Pay, Viettel đã xây dựng đội ngũ quản trị rủi ro theo dõi 24/24 về chất lượng sản phẩm, đảm bảo khách hàng sẽ không gặp rủi ro tài chính khi giao dịch.

Mobile Money là cơ hội để nhà mạng xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi số. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc VNPT Media cho hay, người dân rất khó tiếp cận với phương tiện thanh toán điện tử qua ví điện tử hay tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, việc Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế và người dân có thêm công cụ thanh toán điện tử. Đây sẽ là nền tảng để tiến đến công dân số và xã hội số khi mật độ điện thoại di động đã phổ cập đến người dân.

Chia sẻ một cách ngắn gọn, ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone bình luận: Mobile Money là cơ hội để nhà mạng xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi số. Đây chính là cuộc cách mạng lớn để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chúng tôi đã sẵn sàng kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán, cùng với kinh nghiệm triển khai các dịch vụ số nên có thể dễ dàng cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán trên hạ tầng điện tử, đây chính là tiền đề mở rộng dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt nhất. Ngoài những lợi thế nền tảng trên, MobiFone còn chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, chính sách nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật tránh gây lộ lọt thông tin của khách hàng. Dự kiến khoảng trong quý 2-2021 sẽ chính thức đưa dịch vụ Mobile Money đến tay người dùng.

Có thể nói, sứ mệnh của Mobile Money là giúp thay đổi thói quen dùng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến tại Việt Nam, đồng thời lấp đầy khoảng trống trong thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà người dân còn lạ lẫm với tài khoản ngân hàng.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp Chính phủ ưu tiên thúc đẩy nhằm tạo lập các giao dịch minh bạch, thuận lợi, an toàn và giảm chi phí. Chỉ khi có chính sách thông thoáng, hài hòa giữa mục tiêu quản lý Nhà nước mà vẫn tạo điều kiện phát triển cho thanh toán điện tử và các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, thì mới có thể sớm hiện thực hóa quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế phi tiền mặt của Chính phủ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

Bài, ảnh: VĂN PHONG