Tham dự hội thảo có đông đảo các đại biểu, chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học ở Việt Nam và Nhật Bản. Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe báo cáo tham luận của các diễn giả đến từ Nhật Bản và Việt Nam.

leftcenterrightdel

Quang cảnh Hội thảo “Nâng cao vai trò toàn diện của Liên hợp quốc và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh thế giới và khu vực đầy biến động”.

Phát biểu về chủ đề "Triển vọng củng cố Liên hợp quốc: Vai trò của Nhật Bản", Giáo sư, Tiến sĩ Yasue Mochizuki đến từ Đại học Kwansei Gakuin, Nhật Bản, đã trình bày những vấn đề về thực trạng của Liên hợp quốc hiện nay và lập trường, đóng góp của Nhật Bản đối với Liên hợp quốc và cải cách Hội đồng Bảo an, triển vọng đóng góp của Nhật Bản dưới tư cách là một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo Tiến sĩ Yasue Mochizuki, trong nhiều năm qua, mục tiêu của Nhật Bản là làm cho Hội đồng Bảo an trở nên hợp pháp, hiệu quả và mang tính đại diện hơn nữa trong việc phản ánh thực trạng của thế giới. Từ đó, Nhật Bản đã tham gia rất tích cực trong việc thúc đẩy "an ninh con người" cũng như tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Theo Tiến sĩ Yasue Mochizuki, đã có những cuộc thăm dò dư luận tại Nhật Bản về vai trò của Nhật Bản tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Từ đó cho thấy, dân chúng Nhật Bản rất ủng hộ nước này là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhất là vai trò trong lực lượng gìn giữ hòa bình ở tổ chức này.

Dự báo xu hướng cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong tham luận của mình, PGS, TS Chu Đức Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá lại những nỗ lực cải cách Hội đồng Bảo an đến nay cũng như dự báo xu hướng cải cách nhằm phát huy vai trò của Hội đồng Bảo an trong thời gian tới. Theo PGS Chu Đức Dũng, từ những năm 1990 đến nay, Hội đồng Bảo an đứng trước sức ép ngày càng lớn phải cải cách nhằm bảo đảm tính đại diện, dân chủ, minh bạch và hiệu quả để ứng phó tốt hơn đối với các thách thức toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Cải cách Hội đồng Bảo an là chìa khóa để cải cách thành công Liên hợp quốc. Đã có nhiều chương trình hành động của các đời Tổng Thư ký Liên hợp quốc như: Boutros Boutros-Ghali, Tổng thư ký nhiệm kỳ 1992-1996; Kofi Annan (với báo cáo "Tự do rộng lớn hơn" năm 2005) và nhiều tổ chức khác đã đề xuất dự thảo cải cách. Tuy nhiên, không một phương án nào được đưa ra bỏ phiếu.

PGS Chu Đức Dũng cho rằng, trong khi tiến trình đàm phán cải cách Hội đồng Bảo an chưa đạt được kết quả đáng kể, cộng đồng quốc tế đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy cải cách Hội đồng Bảo an theo phương hướng không cần sửa đổi Hiến chương Liên hợp quốc. Đó là cải cách phương pháp làm việc, chuẩn mực vận hành, như: Các thỏa thuận không ràng buộc về hạn chế sử dụng quyền phủ quyết, các thỏa thuận về thủ tục tranh luận của Hội đồng Bảo an, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của Hội đồng Bảo an…

Phát biểu thảo luận tại hội thảo, nhiều đại biểu đồng tình với báo cáo của các đại biểu cũng như đưa ra đánh giá về hoạt động của Liên hợp quốc hiện nay. Trong đó, các đại biểu đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc trên thế giới hiện nay như chống đói nghèo, gìn giữ hòa bình... Các ý kiến mong muốn mở rộng quyền cho các quốc gia tham gia Liên hợp quốc cũng như cải cách các cơ chế tham gia Liên hợp quốc để duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới hiện nay.

Tin, ảnh: PHẠM THU THỦY