Tham dự chương trình có đồng chí  Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Sự kiện có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng sự tham dự của gần 1.200 đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, thuận lợi lớn nhất của nước ta trong phát triển IoT là có hạ tầng viễn thông tốt, một số doanh nghiệp viễn thông mạnh có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy hoạch đủ số điện thoại, địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT. Nước ta cần phát triển một nền tảng công nghiệp về an ninh mạng. Đồng thời, cần xem IoT là một ngành công nghiệp, trước hết là công nghiệp sản xuất sensor. Muốn vậy, cả quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần có sự đột phá trong tư duy, chính sách, cách tiếp cận phát triển IoT.

Quang cảnh phiên toàn thể của hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể của hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận đúng trong xây dựng chính sách phát triển IoT. Cần quan niệm IoT phải là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ. Nước ta cần sớm xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế số quốc gia và các chiến lược chuyển đổi số với các ngành kinh tế, kỹ thuật, trọng tâm là các ngành công nghiệp chế tạo. Bên cạnh đó, có chính sách thúc đẩy sản xuất kỹ thuật số bằng cách tăng năng lực số hóa và kết nối sản phẩm, chuỗi giá trị và các mô hình kinh doanh. Nước ta cần sớm hoàn thiện thể chế theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một trong những vấn đề then chốt trong phát triển IoT là phải bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Phiên báo cáo toàn thể chủ đề “Hiện thực hóa tiềm năng và khai phá thị trường IoT của Việt Nam” đã tập trung trao đổi về những triển vọng phát triển và xu hướng ứng dụng công nghệ IoT tại Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á. Đồng thời, các diễn giả đã đưa ra những định hướng chiến lược nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong thế giới kết nối. Các diễn giả còn trình bày, giải đáp một số chính sách thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT tại Việt Nam. trong đó, các tham luận đề nghị cần hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tiến hành số hóa, liên kết số trong tiêu thụ sản phẩm, cung cấp kiến thức, thông tin và các công cụ cần thiết để chuyển đổi số. Một số doanh nghiệp còn đề xuất các kế hoạch nhằm khai phá tiềm năng ứng dụng IoT trong các ngành kinh tế và thâm nhập thị trường IoT ASEAN.

Các đại biểu tham gia trưng bày các sản phẩm, giải pháp công nghệ tại triển lãm.

Sự kiện Smart IoT Việt Nam 2018 còn có ba phiên hội thảo chuyên đề về “Bảo đảm an toàn và an ninh mạng trong kỷ nguyên IoT”, “Ứng dụng IoT trong đô thị thông minh” và “IoT và cuộc cách mạng trong ngành sản xuất”. Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Triển lãm quốc tế về Smart IoT với quy mô hơn 40 gian hàng quy tụ sự tham gia của các tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước như: ABB Việt Nam, Dell EMC, VNPT, Darktrace, LG Electronics, Viettel, MobiFone, ZTE, Điện Quang, BKAV, Nextfarm, BTS, Ericsson... Các đơn vị đã giới thiệu những giải pháp công nghệ cao, giải pháp máy chủ, giải pháp lưu trữ cũng như các công nghệ bảo mật dữ liệu hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin, giải pháp về IoT ứng dụng cộng nghệ điện toán đám mây, công nghệ điện toán biên, giải pháp an ninh mạng hàng đầu thế giới…

Tin, ảnh: HÙNG KHOA