Tại hội thảo, chuyên gia Phan Văn Sáng với hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp như Hanoi Steel Center (thuộc tập đoàn Sumitomo Nhật Bản), Esoftflow (tập đoàn Esoft Systems Đan Mạch), Tilleke & Gibbins (Hoa Kỳ)... về công nghệ thông tin, bảo mật dữ liệu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế về việc phòng ngừa rủi ro mất dữ liệu doanh nghiệp.

leftcenterrightdel

Chuyên gia Phan Văn Sáng chia sẻ kinh nghiệm thực tế về việc phòng ngừa rủi ro mất dữ liệu doanh nghiệp. 

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2022 Việt Nam ghi nhận hơn 17.000 vụ tấn công mạng, tăng 25% so với năm 2021. Chuyên gia Phan Văn Sáng nhận định các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều rủi ro về bảo mật thông tin: “Trước hết là rủi ro về virus, một trong những loại virus nguy hiểm nhất, gây ra nhiều vụ tấn công mạng trên thế giới là ransomware. Một khi nhiễm vào thiết bị, chỉ cần 30 giây, toàn bộ dữ liệu sẽ bị mã hóa...”.

leftcenterrightdel
Hội thảo thu hút nhiều đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm đến các giải pháp bảo mật dữ liệu. 

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến rủi ro mất thông tin như lỗi phần cứng, thiếu ngân sách giám sát hệ thống cũng được chuyên gia đề cập, phân tích tại hội thảo. Ở phạm vi người dùng, việc sử dụng Wifi công cộng hoặc các nền tảng làm việc miễn phí như Google Workspace cũng có thể gia tăng nguy cơ xảy ra các sự cố về bảo mật thông tin.

leftcenterrightdel
Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc VCCI) - bà Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa rủi ro mất dữ liệu doanh nghiệp. 

Theo chuyên gia Phan Văn Sáng, backup (sao lưu dữ liệu) là giải pháp bắt buộc để bảo mật thông tin. Doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều công cụ sao lưu khác nhau, đơn giản nhất là USB (chuẩn kết nối và truyền dữ liệu số), TAPE (lưu trữ dùng hệ thống băng từ), ổ cứng HDD box, NAS (thiết bị lưu trữ gắn mạng). Đối với các hệ thống dữ liệu lớn và quan trọng, doanh nghiệp cần áp dụng những công nghệ hiện đại hơn như SAN (mạng lưu trữ chuyên biệt), Cloud Backup (lưu trữ đám mây).

leftcenterrightdel
Theo chuyên gia Phan Văn Sáng: “Hiện nay, trên thế giới, quy tắc sao lưu dữ liệu phổ biến nhất là “3-2-1”, nghĩa là dữ liệu phải có 3 bản sao, được lưu trên 2 thiết bị khác nhau, đồng thời có 1 bản sao ngoài công ty để phòng ngừa nguy cơ mất dữ liệu khi xảy ra những sự cố bất ngờ như hỏa hoạn, thiên tai…”.

Sau cùng, chuyên gia đánh giá con người là yếu tố quan trọng nhất trong công cuộc bảo mật dữ liệu của doanh nghiệp. Mọi vị trí đều phải đồng lòng, có nhận thức rõ ràng về an toàn thông tin, nếu không, mọi giải pháp khác như quy trình chuyên nghiệp, chính sách chặt chẽ, công nghệ bảo mật tiên tiến đều vô tác dụng... 

Tin, ảnh: TÚ TRINH - MẠNH TIẾN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.