Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long cho biết, để phát triển đồng bộ và bền vững hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia, nội dung giáo dục sở hữu trí tuệ cho thế hệ trẻ, đặc biệt là từ cấp học sinh phổ thông là một trong những việc làm cần thiết được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) khẳng định.

Nhiều quốc gia cũng đã triển khai hiệu quả, từng bước hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng; qua đó, góp phần tạo dựng một xã hội văn minh, tiên tiến. Tại Việt Nam, thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, giáo dục sở hữu trí tuệ cho học sinh phổ thông là một vấn đề mới, chưa được triển khai một cách bài bản và thường xuyên. Sáng kiến xây dựng chương trình giáo dục sở hữu trí tuệ cho học sinh, hướng tới tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng đã đặt ra trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Sơn. 

 

Theo nghiên cứu của chuyên gia Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), độ tuổi 12 - 20 là giai đoạn vàng cho sự sáng tạo. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục truyền thống lại thường phân chia các môn học một cách cứng nhắc, gây hạn chế khả năng liên kết và tổng hợp kiến thức. Việc giáo dục sở hữu trí tuệ sớm sẽ giúp các em nhận biết giá trị của sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và định hướng nghiên cứu trong tương lai.

Bà Tedla Altaye, Trưởng bộ phận đào tạo trực tuyến Học viện WIPO cho biết, sở hữu trí tuệ không chỉ là một quyền hay cơ chế bảo hộ, nó còn là một khía cạnh của sự sáng tạo. Nhiều ý tưởng xuất sắc gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường hoặc có nguy cơ bị mất, bị sao chép mà không xin phép. Nếu không có sự bảo hộ, hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ bị kìm hãm. 

Theo bà Tedla Altaye, đổi mới sáng tạo là xương sống của sự tiến bộ, còn sở hữu trí tuệ là bạn đồng hành tốt nhất của đổi mới sáng tạo. Hiểu biết về sở hữu trí tuệ không chỉ là việc bảo hộ mà còn là một chiến lược để kiếm tiền từ kiến thức, ý tưởng. Kiến thức về sở hữu trí tuệ giúp mọi người có thể kiếm sống từ sự sáng tạo trong công việc của mình.

Đó là lý do tại sao cần phải đưa nội dung đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp vào các môn học khác nhau từ ngay cấp độ học nhỏ tuổi. Bằng cách này, chúng ta trao quyền cho thế hệ các nhà đổi mới sáng tạo tương lai để dần phát triển một tư duy sáng tạo và học cách khai thác ý tưởng của họ vì những lợi ích kinh tế...

Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhất trí rằng, chương trình giáo dục sở hữu trí tuệ cho học sinh phổ thông là một nhu cầu cấp thiết, không chỉ giúp các em hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, mà còn nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong tương lai.

MAI HÀ 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.