TP Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu “tuyên chiến” với vấn nạn này bằng nhiều giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả từ Sở Thông tin và Truyền thông. Để làm rõ kinh nghiệm, giải pháp về tình trạng này của Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện loạt bài: Hà Nội tuyên chiến với tin nhắn, quảng cáo “rác” viễn thông.

Bài 1: Cuộc chiến với “rác” phi vật thể

Tin nhắn rác trước đây được định nghĩa là tin nhắn được gửi đến người nhận mà người đó không mong muốn. Định nghĩa này gây ra nhiều sự hiểu lầm và chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ. Thậm chí tin nhắn thông báo lũ lụt hay kêu gọi ủng hộ từ thiện bị xếp vào là tin nhắn rác.

Rác ảo gây phiền phức thật

Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 01/10/2020, thay thế Nghị định 90/2008/NĐ-CP và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP. Nội dung Nghị định có nhiều điểm mới, quan trọng, quy định nhiều biện pháp bảo vệ người sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, tránh bị gây phiền hà bởi tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác. Trong đó, lần đầu tiên có quy định của pháp luật về “Cuộc gọi rác”, đây là vấn đề gây nhiều phiền hà, bức xúc cho người sử dụng dịch vụ viễn thông trong thời gian qua.

Sau một thời gian Nghị định số 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nhiều người dân cho biết vẫn bị tin nhắn rác làm phiền. Đáng nói, có những tin nhắn nhận làm bằng tốt nghiệp, giấy phép lái xe, cho vay tiền không cần thế chấp... là dấu hiệu vi phạm pháp luật, rất cần ngành Viễn thông quyết liệt sàng lọc, xử lý dứt điểm tình trạng này.

Trao đổi với nhiều chủ thuê bao điện thoại di động, phóng viên Báo QĐND Điện tử được biết, kể từ khi Nghị định số 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực đến nay, lượng tin nhắn rác có giảm nhưng vẫn còn xuất hiện. Anh Nguyễn Đức Phương (quận Hai Bà Trưng), chủ thuê bao số điện thoại di động 090340xxxx cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, anh nhận được tin nhắn từ số điện thoại với nội dung: “Thanh toán không phải lương tới 70 triệu đồng”; hay tin nhắn: “Nhận làm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở... đại học; giấy phép lái xe và các loại giấy tờ khác...”.

Còn theo chị Mai Loan (Cổ Nhuế - Hà Nội), chủ thuê bao số điện thoại di động 0986xxxxxx, ngày nào số điện thoại của chị cũng nhận được tin nhắn quảng cáo từ chính nhà mạng đến mức xóa đi... cũng mỏi tay.

Từ ngày 1-3-2021, Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra và xử lý vi phạm các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet, dịch vụ thư điện tử.

Còn chị Lam Anh (quận Tây Hồ) cho hay, từ ngày 1-10-2020 đến nay, số điện thoại của chị vẫn nhận được các tin nhắn rác với nội dung như “Bạn đủ điều kiện vay tiền” của AVAY hay tin nhắn quảng cáo của một số cửa hàng, bán Sim, mua Sim ... Ngoài ra còn có chiêu trò lách luật của một số doanh nghiệp bất động sản, tài chính, bảo hiểm là “cài” nội dung tin nhắn kiểu “Chúc mừng bạn đã nhận được quà tặng” hoặc “Anh/chị có tên trong danh sách trúng thưởng”... để nhằm mục đích khách hàng đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo sau đó.

Theo các nhà mạng, nguyên nhân của tình trạng trên, đối tượng phát tán tin nhắn rác tại thị trường Việt Nam rất tinh vi, thường xuyên thay đổi nội dung, số điện thoại để “qua mặt” các hệ thống ngăn chặn. Bên cạnh các quy định về quản lý nhà nước, các nhà mạng còn thực hiện thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng nghi ngờ nhận cuộc gọi, tin nhắn rác. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ phản hồi của khách hàng về cuộc gọi rác là rất thấp, chỉ đạt 5-7%. Như vậy, nhà mạng cứ gửi 100 tin nhắn yêu cầu xác thực thì chỉ có 5-7 người trả lời.

Xây dựng quy trình xử lý “rác” viễn thông

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội: Ngay sau khi Nghị định số 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực, Sở đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên cổng/trang thông tin điện tử của UBND các quận, huyện, thị xã; đề nghị các cơ quan báo chí Hà Nội, các báo, đài Trung ương có ký Chương trình phối hợp công tác với thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên địa bàn Thành phố; đề nghị Công an thành phố khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, khi phát hiện thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, nhanh chóng báo Công an gần nhất để kịp thời xử lý và đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet thông tin đến người sử dụng dịch vụ, xây dựng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo chỉ đạo của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT).

Sở TT&TT Hà Nội đã chủ động mời các cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ), lãnh đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tham gia tổ công tác triển khai Nghị định số 91/2020/NĐ-CP trên địa bàn thành phố Hà Nội, thiết lập cơ chế phối hợp nhanh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin với các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông; xây dựng kế hoạch 3020/KH-STTTT triển khai Nghị định số 91/2020/NĐ-CP; đăng ký và vận hành sử dụng tên định danh "SoTTTTHaNoi" để nhắn tin thông báo tổ chức, cá nhân vi phạm lên làm việc; tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 91/2020/NĐ-CP tới điểm cầu UBND các quận, huyện, thị xã; xây dựng quy trình xử lý đối với các số điện thoại, đầu số nhắn tin rác, thực hiện cuộc gọi rác nhằm hướng dẫn quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác để xử lý theo quy định của pháp luật.

Số thuê bao phát tán cuộc gọi rác, quấy rối người tiêu dùng đã bị chặn từ tháng 7 đến tháng 11-2020. Nguồn: Cục Viễn thông.  

Quảng cáo ảo, bị xử phạt…thật!

Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Khắc Lịch cho biết, điểm nổi bật của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP là xây dựng danh sách các thuê bao từ chối nhận quảng cáo (chủ thuê bao chỉ cần soạn: DK DNC rồi gửi đến đầu số 5656), đưa vào vận hành Cổng thông tin quản lý danh sách không quảng cáo tại địa chỉ https://khongquangcao.ais.gov.vn. Đến nay, hệ thống đã ghi nhận hơn 100.000 thuê bao đăng ký vào "Danh sách không quảng cáo". Với những trường hợp như chị Tường Vy (quận Hà Đông), ngoài việc nhắn tin như nêu trên, cần gọi trực tiếp ngay cho các nhà mạng để phản ánh, phối hợp giải quyết rác tin nhắn nội mạng, liên mạng.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra đã được cơ quan chức năng đẩy mạnh kể từ khi Nghị định 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Tại Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước về việc tổ chức, triển khai Nghị định số 91/2020/NĐ-CP. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội có Quyết định số 94/QĐ-XPVPHC xử phạt ông Lê Mạnh Dũng (Long Biên, Hà Nội) với số tiền 3.750.000 đồng về hành vi nhắn tin quảng cáo dịch vụ bất động sản đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý, theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP. 

Trước đó, theo Quyết định số 93/QĐ-XPVPHC, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội cũng xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Transcosmos Việt Nam với 7.500.000 đồng về hành vi gọi điện thoại quảng cáo dịch vụ bảo hiểm đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý, theo quy định tại Khoản 2, Điều 11  Nghị định số 91/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội cũng xử phạt Công ty Cổ phần Timeshare Việt Nam và Công ty TNHH Trung tâm Anh ngữ VUS Miền Bắc với hành vi gọi điện thoại quảng cáo, mức phạt 7.500.000 đồng/ 1 công ty.

Đối với đầu số tin nhắn ngắn ban hành 3 quyết định thanh tra đột xuất đối với 3 đơn vị cung cấp dịch vụ tin nhắn ngắn (qua đầu số 9923, 9913, 9868, 9926). Xử phạt vi phạm chính 1 đơn vị 15 triệu đồng về hành vi “Không gắn nhãn tin nhắn quảng cáo theo quy định”.

Các giải pháp kỹ thuật tự động giúp nhà mạng chặn tin nhắn rác.

Nhiều biện pháp mạnh

Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo qua mạng viễn thông theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo qua mạng viễn thông trên địa bàn Thành phố; ban hành quy trình xử lý đối với các số điện thoại, đầu số nhắn tin rác, thực hiện cuộc gọi rác nhằm hướng dẫn quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện các nhà mạng đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo. Cụ thể, nhà mạng Viettel, VinaPhone đã xây dựng hệ thống kỹ thuật tự động chặn tin nhắn rác (AntiSpam) dựa trên các công nghệ Big Data (dữ liệu lớn) và Machine Learning (học máy) để chặn theo từ khóa, tần suất, số điện thoại…; thắt chặt biện pháp quản lý với các doanh nghiệp nội dung (CP), doanh nghiệp sử dụng đầu số tin nhắn. Các giải pháp kỹ thuật tự động giúp nhà mạng chặn hàng chục triệu tin nhắn rác/tháng.

Cũng liên quan đến thực hiện Nghị định số 91/2020/NĐ-CP, cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao, còn gọi AI sinh trắc học, để chụp ảnh khách hàng ở nhiều góc độ khi đăng ký thông tin thuê bao, bảo đảm 1 người chỉ có thể đăng ký 1 thuê bao.

Để ngăn chặn hiệu quả, bên cạnh các quy định chặt chẽ của cơ quan quản lý rất cần các chủ thuê bao số điện thoại di động phối hợp trả lời tin nhắn thu thập ý kiến phản hồi khi nghi ngờ nhận được cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Đây chính là cơ sở để nhà mạng ngăn chặn các chủ thuê bao phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Vì vậy, Cục Viễn thông và các nhà mạng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng tỷ lệ người dân phối hợp trong khâu xác thực cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm:

Từ ngày 1-3-2021 sẽ tiến hành thanh tra và xử lý vi phạm các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet, dịch vụ thư điện tử. Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị, yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện 5 nội dung, giải pháp. Trong đó có việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn về Nghị định số 91/2020/NĐ-CP, thông tin, hướng dẫn người sử dụng dịch vụ về cách thức chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; xây dựng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Chia sẻ cơ sở dữ liệu về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; cung cấp thông tin thuê bao, thực hiện tạm ngừng/ngừng cung cấp dịch vụ, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định...

Từ năm 2017 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã thẩm định, đề nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý gỡ bỏ 20 tài khoản Facebook, gỡ bỏ 2678 video clip trên Youtube có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Riêng trong năm 2020 đã thực hiện gỡ bỏ 728 video clip có nội dung “Đăng tải thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội”.

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ