Phóng viên (PV): Đồng chí có thể cho biết mô hình đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên-Huế được triển khai như thế nào?
Đồng chí Phan Ngọc Thọ: Ngày 25-7, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chính thức ra mắt Trung tâm Giám sát Điều hành Đô thị thông minh. Đây là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn. Mô hình được triển khai trên nền tảng giải pháp Smartcity của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel).
Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai đồng thời 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh, bao gồm: Phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông; giám sát trật tự đô thị; giám sát an toàn đô thị; tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin và giám sát tàu cá...
 |
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ. |
PV: Trung tâm này có vai trò gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Ngọc Thọ: Trung tâm này giúp cho lãnh đạo tỉnh, các địa phương quản lý và điều phối chung. Trong đó, dịch vụ tiếp xúc với người dân nhiều nhất là phản ánh hiện trường. Người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền trực tiếp bằng smartphone hoặc qua website của trung tâm, kèm theo hình ảnh, video hiện trường. Những phản ánh này được trung tâm ghi nhận và chuyển về các cơ quan chức năng xử lý. Quá trình tiếp nhận, xử lý được đăng tải để người dân có thể giám sát đến khi ra kết quả cuối cùng.
Dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera cũng tác động tích cực đến thay đổi xã hội địa bàn tỉnh. Hệ thống camera được lắp đặt trên địa bàn tỉnh sẽ được chuyển dữ liệu về trung tâm. Tại đây, hệ thống sẽ phân tích và đưa ra các cảnh báo vi phạm. Trung tâm kiểm tra, xác minh mức độ cảnh báo, hỗ trợ công an hoặc các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý.
Hiện tại, đã có 85 đầu mối cơ quan xử lý những phản ánh trực tuyến của người dân thông qua Trung tâm giám sát điều hành Đô thị thông minh gồm: 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 100% UBND cấp huyện; 100% phường thuộc thành phố (TP) Huế. Bên cạnh đó là một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và các đơn vị sự nghiệp quan trọng của UBND tỉnh.
 |
Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế. |
PV: Dịch vụ này đã được người dân tiếp nhận như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Ngọc Thọ: Hiện nay có hơn 10 dịch vụ được chúng tôi triển khai. Trong đó người dân cũng như du khách đánh giá cao dịch vụ phản ánh hiện trường. Qua các kênh camera cố định và người dân, khi phát hiện vấn đều tiêu cực thông tin sẽ phản ánh lên ứng dụng có tên Hue-S. Thông tin này truyền đến trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, để sàng lọc, rồi chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý.
Hàng nghìn ý kiến của người dân đã phán ảnh qua hệ thống. Tỷ lệ người dân hài lòng rất cao được thể hiện qua con số 10.000 lượt tải về cũng như sự hào hứng tham gia. Chúng tôi làm được điều này xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ quản lý và từ chính mong muốn của người dân. Đây là hai điều kiện tiên quyết giúp TP Huế triển khai thành công. Ngoài ra, mô hình này đi vào cuộc sống của người dân còn có sự hỗ trợ của Viettel, nhu cầu quản lý của Nhà nước, phản ánh của người dân và phù hợp với tổ chức bộ máy.
PV: Vậy khi nào TP Huế trở thành đô thị thông minh?
Đồng chí Phan Ngọc Thọ: Trong 10 năm qua, TP Huế đi qua 3 quá trình để hoàn thiện hệ thống này là vận động, chế tài quy định và nhu cầu của người cán bộ. Chúng tôi đang ở giữa quá trình 2 và 3. Mỗi ngày cán bộ các cơ quan của Huế dành ra hàng giờ để giải quyết công việc trên hệ thống Hue-S và Hue-G.
Được biết, trong dự thảo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa mô hình điều hành đô thị thông minh của TP Huế là mẫu mực để các tỉnh thực hiện. Chúng tôi cũng cố gắng liên tục hoàn thiện mô hình này, huy động nguồn lực xã hội. Để vận hành tốt trung tâm giám sát điều hành cần có cơ sở dữ liệu và ứng dụng. Nếu ví TP Huế là một cơ thể sống thì hệ thống điều hành đô thị thông minh là trái tim, mạch máu là các ứng dụng, vitamin là cơ sở dữ liệu. Quá trình hoàn thiện có thể tốn khoảng 3 năm, khi đó TP Huế sẽ là đô thị thông minh hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam.
 |
Camera được lắp đặt gần đèn tín hiệu giao thông trên cầu Trường Tiền-TP Huế. |
 |
Một cụm camera được lắp tại đường đi bộ gần cầu Trường Tiền. |
PV: Vì sao tỉnh Thừa Thiên-Huế chọn Tập đoàn Viettel để xây dựng đô thị thông minh?
Đồng chí Phan Ngọc Thọ: Viettel là một tập đoàn hàng đầu Việt Nam. Chúng tôi nghĩ được làm việc và chuyển giao công nghệ từ một doanh nghiệp lớn là mong muốn của nhiều địa phương chứ không riêng gì Huế. Tôi đánh giá cao Viettel ở sự lắng nghe ý kiến đề xuất, mong muốn của chúng tôi để đưa ra giải pháp phù hợp.
Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Viettel và Huế tạo ra hiệu quả thiết thực. Viettel mong muốn hoàn thiện hệ thống đô thị thông minh Huế trở thành kiểu mẫu tại Việt Nam. Tôi nghĩ đến thời điểm nào đó, hệ thống điều hành đô thị thông minh với chính quyền điện tử sẽ hợp nhất làm một và hệ thống này sẽ phát triển hoàn thiện, trở thành công cụ điều hành của UBND tỉnh.
Mô hình Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa được vinh danh là Giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á tại giải thưởng Viễn thông châu Á-Telecom Asia Awards 2019. Theo dự kiến, hệ thống đô thị thông minh này sẽ tiếp tục được Viettel mở rộng và hoàn chỉnh vào năm 2020.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
VĂN PHONG (thực hiện)