Đó là Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 Toàn cảnh buổi họp báo.

Trong đó, Quy hoạch đề ra mục tiêu cụ thể của mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy mô hơn 3 triệu người học, đạt 260 sinh viên và 23 học viên sau đại học trên một vạn dân; tỉ lệ học đại học trên số người trong độ tuổi 18-22 đạt 33% trong đó không tỉnh nào có tỉ lệ thấp hơn 15%. Tỉ trọng quy mô đào tạo thạc sĩ (và trình độ tương đương) đạt 7,2%, đào tạo tiến sĩ đạt 0,8%, đào tạo cao đẳng sư phạm đạt 1%; tỉ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%; bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn... Đặc biệt, quy hoạch đề cập tới việc hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn, đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo tại 4 vùng đô thị gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước.

 Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời báo chí về những thông tin hai quy hoạch.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đưa ra các dự án ưu tiên đầu tư gồm: Các dự án đầu tư nâng cấp, phát triển đại học quốc gia; dự án đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở giáo dục đại học chủ chốt đào tạo giáo viên; dự án nâng cấp, phát triển cơ sở giáo dục đại học trọng điểm về kỹ thuật và công nghệ; dự án đầu tư nâng cấp, phát triển đại học vùng; chương trình mở rộng, di dời các cơ sở giáo dục đại học ra ngoài nội đô 2 thành phố lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 góp phần tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học có chất lượng tới người dân, không chỉ ở các thành phố mà tới cả các vùng sâu, vùng xa. Mục đích của quy hoạch không chỉ là sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm mà là còn góp phần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả cho mạng lưới này”.

Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu đến năm 2030 là phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Việt Nam phấn đấu 100% số đơn vị cấp tỉnh có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập; vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật, trong đó với 11 cơ sở đã có và thành lập mới một cơ sở công lập.

Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật đủ về số lượng, đạt trình độ chuẩn được đào tạo và đáp ứng quy định về giáo dục đối với người khuyết tật. Đến năm 2030, có khoảng 3.300 giáo viên và 7.400 viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật làm việc trong các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật. Đến năm 2050, có khoảng 4.900 giáo viên và 10.900 viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật làm việc trong các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật.

Tin, ảnh: MINH LUẬN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.