Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì diễn đàn. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham dự diễn đàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số, đã làm thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.
 |
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn. |
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia CMCN 4.0.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, để nắm bắt và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp này để phát triển bứt phá, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Trên cơ sở Nghị quyết này, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể.
 |
Gian hàng của Tập đoàn VNPT tại triển lãm. |
"Xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong CMCN 4.0 này có tầm quan trọng không kém. Do đó, với tinh thần “cách mạng” đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng, thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, trực tiếp theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết này, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì chỉ đạo tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triễn lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019", đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
"Để Việt Nam không bỏ lỡ CMCN 4.0, ngoài những nỗ lực tự thân của mình, chúng tôi cần sự giúp đỡ, hợp tác và chia sẻ của các nước cũng như các doanh nghiệp quốc tế. Với tinh thần xác định “nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, Việt Nam mong muốn được mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong CMCN 4.0", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định.
 |
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn. |
Chia sẻ tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc chuyển đổi số sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhận thức của con người. Đây là lợi thế của các nước đi sau vì nhận thức không bị phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà các nước đang sở hữu. Do vậy, nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số sẽ mở ra một cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Với khả năng linh hoạt của người Việt Nam, nước ta có thể tận dụng được cơ hội này. Tuy vậy, Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Các doanh nghiệp công nghệ sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ “Make in Vietnam” và từ đây đi ra toàn cầu...
 |
Quang cảnh diễn đàn. |
Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các ý kiến trao đổi tại phiên họp rất toàn diện, tập trung vào những kế hoạch, hành động cụ thể để tận dụng cơ hội từ cuộc CMCN 4.0.
Theo Phó thủ tướng, mặc dù Bộ Chính trị mới ban hành nghị quyết về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng nhận thức cũng như hành động để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này đã bắt đầu từ trước đó. Tại Diễn đàn Công nghiệp 4.0 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu tập trung đồng bộ nhiều giải pháp từ thể chế, hạ tầng đến nhân lực, khoa học, công nghệ để phát triển nền kinh tế số, nền sản xuất thông minh với tầm nhìn chiến lược, hành động cụ thể và khẩn trương. Trong cuộc CMCN 4.0, vai trò chủ đạo và tiên phong là của doanh nghiệp. Chúng ta cần chủ động ứng phó với những mặt tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, trong đó lưu ý cơ chế quản lý rủi ro.
Trong thời gian tới, Phó thủ tướng khẳng định phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Nghị quyết 02 tích hợp các tiêu chí đánh giá, bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế, rất phù hợp với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, thiết thực hơn.
 |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn. |
Đề cập đến yếu tố khó lường của cuộc CMCN 4.0, Phó thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của con người để sẵn sàng tận dụng thời cơ, tránh được rủi ro, có các giải pháp linh hoạt thích ứng với những thay đổi mà ngày hôm nay chưa dự báo được.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng lưu ý phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học nhằm xây dựng môi trường nghiên cứu, học thuật, sáng tạo để đại học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, mà còn là nơi sáng tạo ra tri thức mới. Qua đó, đóng góp mạnh mẽ, hiệu quả vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia...
“Một đặc trưng của cuộc CMCN 4.0 là kết nối, hợp tác. Vì vậy phải tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau; giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân; giữa người dân với nhau; giữa trong nước với ngoài nước. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này. Chúng ta không chỉ giải quyết những "bài toán" của riêng mình mà còn có trách nhiệm trước những vấn đề chung của thế giới”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 là sự kiện quốc tế được tổ chức với mục đích: Công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam… Sự kiện bao gồm các hoạt động: Phiên Diễn đàn cấp cao; 5 hội thảo chuyên đề; triển lãm công nghệ hiện đại với sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế; phiên kết nối đầu tư kinh doanh.
Tin, ảnh: VĂN PHONG