Hội thảo để các diễn giả chia sẻ, thảo luận những thành công, chưa thành công về xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), từ đó đề ra các giải pháp phát triển đô thị thông minh hiệu quả, tối ưu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn lực của nước ta còn rất hạn chế.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, xây dựng ĐTTM là nhiệm vụ mới, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế đó đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ là yêu cầu tất yếu để có thể thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. Với quan điểm đó, tọa đàm ngày hôm nay có sự tham gia của nhiều các diễn giả, các chuyên gia uy tín đến từ các quốc gia và địa phương trên cả nước sẽ là một cơ hội rất quý để trao đổi, thảo luận và làm rõ những cơ hội, thách thức trong phát triển thành phố thông minh (TPTM). Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm tốt cũng như đưa ra những lời khuyên, khuyến nghị cụ thể rất hữu ích cho xây dựng ĐTTM ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Quang cảnh tọa đàm.

Đô thị thông minh là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các vùng miền trên cả nước. Hiện cả nước đã có trên 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa tăng trên toàn quốc đạt 38,6%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12% đến 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Cả nước đã có khoảng 30 địa phương triển khai các đề án xây dựng ĐTTM.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thành Hưng: Xây dựng đô thị là yêu cầu tất yếu hiện nay để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ môi trường sống tiện ích, thân thiện và an toàn của người dân trong bối cảnh phát triển bùng nổ của đô thị. Thực tế đến nay trên cả nước đã có khoảng 30 địa phương phê duyệt và triển khai các đề án dự án về phát triển đô thị thông minh (ĐTTM).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại tọa đàm.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, việc phát triển ĐTTM hiện nay còn nhiều bất cập và lúng túng. Các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về ĐTTM và các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng dịch vụ cơ bản cho ĐTTM. 

Trình bày tham luận "Dữ liệu - trái tim của thành phố thông minh" tại tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công nghệ FPT IS cho rằng, nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) toàn diện sẽ cung cấp các giải pháp, dịch vụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ kinh doanh hiệu quả, đơn giản hóa quy trình, cải thiện hiệu quả vận hành… Các sản phẩm chính của nền tảng bao gồm FPT.AI Vision - giải pháp nhận dạng và trích xuất chính xác thông tin từ hình ảnh, giúp số hóa các giấy tờ tùy thân với độ chính xác trên 95%, FPT.AI Conversation giúp tạo lập trợ lý ảo (Chatbot) giúp hỗ trợ đến 70% tương tác doanh nghiệp với khách hàng, FPT.AI Speech giúp chuyển đổi văn bản thành giọng nói – giọng nói thành văn bản. Ngoài ra, FPT.eHospital 2.0 là hệ thống phần mềm toàn diện cho một bệnh viện, quản lý toàn bộ hoạt động thông suốt từ lúc tiếp nhận bệnh nhân vào viện cho đến khi ra viện, giúp tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực. Hệ thống giúp tiết kiệm tới 75% thời gian hoàn thành thủ tục đăng ký khám bệnh cho một bệnh nhân (từ 4 phút xuống 1 phút), giảm 40% thời gian kê toa và giúp thời gian làm thủ tục viện phí nhanh hơn gấp rưỡi với độ chính xác cao hơn. Hiệu quả sử dụng nguồn lực của bệnh viện tăng lên gấp 2-3 lần. Hiện FPT.eHospital 2.0 đã được ứng dụng tại 6 sở y tế, hơn 300 bệnh viện trên toàn quốc...

Giám đốc Công nghệ FPT IS Nguyễn Xuân Việt trình bày tham luận tại tọa đàm.

Tại tại tọa đàm, các diễn giả cũng trao đổi, giới thiệu về các ứng dụng, nền tảng công nghệ, giải pháp kỹ thuật đang được các đơn vị triển khai phục vụ cho quá trình xây dựng ĐTTM. Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ trong quá trình triển khai các hạ tầng, ứng dụng công nghệ. Các chuyên gia đưa ra những ý kiến về khả năng thành công của việc xây dựng ĐTTM tại Việt Nam.

Gian hàng trưng bày sản phẩm tại triển lãm.

* Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã tiếp và làm việc với đoàn đại biểu gồm 60 chuyên gia, diễn giả, lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia Diễn đàn. Tại buổi làm việc, nhiều đại diện chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ các kinh nghiệm cũng như đề xuất, kiến nghị các chính sách, chương trình hành động cụ thể để sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019, còn có các hội thảo chuyên đề: Sản xuất thông minh “Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh”; năng lượng thông minh “Phát triển năng lượng thông minh: Ưu tiên chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia”; kinh tế số “Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam”. Ngoài ra còn có các phiên hội thảo chuyên đề, triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 diễn ra với gần 80 gian hàng đến từ các công ty trong nước và quốc tế tiêu biểu như: VNPT, Viettel, Qualcomm, FPT, Vietcombank, ABB, Samsung, SAP, CMC… 

Tin, ảnh: VĂN PHONG