Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, đánh giá, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
 |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại diễn đàn. |
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, chuyển đổi xanh không chỉ là công nghệ hướng tới môi trường; mà còn là thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh hướng tới nâng cao tính hiệu quả hoạt động. Mục tiêu thứ hai là giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ trưởng kỳ vọng các diễn giả tại sự kiện sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp thực thi chính sách và cụ thể hoá các chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong tình hình mới, đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các ngành chuyển đổi xanh.
 |
Các đại biểu tham dự diễn đàn. |
GS, TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một sự kết hợp tối ưu vì thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Trong đó, chuyển đổi xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh có ba mục tiêu. Đầu tiên là phát triển kinh tế, tức cần tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính.
Mục tiêu thứ hai là bảo vệ môi trường, tức giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn.
Cuối cùng là mục tiêu xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm sự mất công bằng trong xã hội. Các hoạt động chuyển đổi xanh gồm: chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.
Về chuyển đổi công nghiệp xanh, hiện nay, Việt Nam theo quy hoạch có khoảng 563 khu công nghiệp tại 61 tỉnh, thành phố. Trong đó, 397 khu công nghiệp đã được thành lập với khoảng 7 khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, 7 đơn vị này hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng chậm.
Trong khi đó, việc chuyển đổi công nghiệp xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; mở rộng quan hệ ngoại giao,...
Nói về tài chính xanh, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết: Để có thể vay từ các tổ chức tài chính quốc tế cho các công trình xanh, doanh nghiệp cần chứng minh được mức hiệu quả tốt hơn so với các cơ sở tại địa phương; phải được xác nhận xanh của bên thứ ba độc lập; cùng báo cáo chi tiết về tính hiệu quả với môi trường.
 |
Thỏa thuận hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững. |
Trong khuôn khổ diễn đàn, 8 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững.
Tin, ảnh: DUY THÀNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.