Tọa đàm do Báo Tia sáng và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức.

Cách đây 10 năm, lần đầu tiên Ngày hội STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) được tổ chức, thu hút hơn 2.000 học sinh từ 8 đến 11 tuổi đến trải nghiệm các hoạt động khoa học công nghệ - STEM chất lượng cao và miễn phí.

Từ đó đến nay, nhiều hoạt động giáo dục STEM đã được tiến hành, hàng vạn học sinh, giáo viên đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng để thực hành, vận dụng STEM trong cuộc sống. Điều này góp phần làm thay đổi lớn trong nhận thức của người dân, cũng như các cấp lãnh đạo về giáo dục STEM.

Các diễn giả tại tọa đàm "10 năm Ngày hội STEM - Bồi đắp tình yêu khoa học từ khối phổ thông".

Nhân dịp 10 năm ra đời của Ngày hội STEM, tọa đàm là cơ hội để nhìn lại những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cá nhân, tổ chức, viện, trường đã khơi dậy niềm đam mê khoa học ở trẻ em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và đề xuất những chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong việc phát triển giáo dục STEM tại Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang trở thành động lực cốt lõi cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2045 càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM.

Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với một thực trạng đáng suy ngẫm: Số lượng học sinh tốt nghiệp THPT lựa chọn các tổ hợp môn khoa học tự nhiên cho kỳ thi tốt nghiệp có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Nếu không có những chủ trương và giải pháp hiệu quả để xây dựng nền tảng vững chắc cho giáo dục STEM ngay từ bậc phổ thông, thì việc hình thành đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao sẽ gặp muôn vàn khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu phát triển quốc gia.

Tại tọa đàm, GS, TS Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Các nước tiên tiến đã quan tâm, chú trọng đẩy mạnh đào tạo quảng bá giáo dục STEM từ bậc phổ thông từ những năm 90 của thế kỷ trước. Cách đây vài năm, có phóng viên đã trao đổi với tôi băn khoăn về tỷ lệ học sinh đăng ký khối A00 số lượng rất ít. Cho đến năm nay, số thí sinh đăng ký tốt nghiệp lựa chọn khối khoa học xã hội vượt trội, thì rõ ràng là điều chúng ta phải quan tâm. Đại học là bậc thụ hưởng của quá trình giáo dục STEM. Nếu trường đại học bị ảnh hưởng, thì cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn nhân lực lâu dài. Quá trình này phải đi từ gốc, vì thế giáo dục STEM từ bậc phổ thông rất quan trọng”.

Tin, ảnh: MINH PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.