Cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, cho biết qua công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo rao vặt, các đơn vị trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã rà soát và phát hiện các số điện thoại thực hiện quảng cáo rao vặt sai quy định.

Theo đó, quy trình gồm 5 bước: Tiếp nhận thông tin phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác và số điện thoại quảng cáo, rao vặt sai quy định; xử lý vi phạm; tổng hợp, ban hành văn bản đề nghị tạm ngừng cung cấp dịch vụ; tạm ngừng cung cấp dịch vụ; khôi phục hoạt động đối với các số điện thoại sau khi chấp hành xử lý vi phạm.

Về việc xử lý đối với các chủ thuê bao tái phạm. Cụ thể, trong thời hạn 1 năm kể từ khi vi phạm lần đầu, chủ thuê bao tiếp tục có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Người dùng điện thoại thường xuyên phải nhận các cuộc gọi rác, tin nhắn quảng cáo sai quy định. Ảnh: nhandan.vn. 

Quy trình được ban hành nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Văn hóa và Thể thao; UBND các quận, huyện, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai quy định; tránh chồng chéo trong công tác xử lý và bỏ sót hành vi vi phạm.

Quyết định số 356/QĐ-STTTT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9-12-2022, thay thế cho Quyết định số 30/QĐ-STTTT ngày 28-1-2021 của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ban hành 28 văn bản đề nghị các doanh nghiệp tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với 882 số điện thoại thực hiện tin nhắn rác, gọi rác và quảng cáo rao vặt sai quy định. Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ phối hợp với quận, huyện, thị xã tăng cường công tác xử lý vi phạm đối với số điện thoại thực hiện tin nhắn rác, gọi rác và quảng cáo rao vặt sai quy định.

HỒNG QUANG