Cách đây 80 năm, ngày 15-4-1945, trong bối cảnh phong trào đấu tranh giành độc lập sôi sục khắp cả nước, Trường Quân chính kháng Nhật-tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 1-chính thức ra đời theo Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ và Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu cấp bách về đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự, chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.
 |
Lãnh đạo Trường Sĩ quan Lục quân 1 tham quan khu trưng bày mô hình, đồ dùng huấn luyện trong Lễ khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh: HÀ SƠN BÌNH
|
Ngay trong những ngày đầu thành lập đến tháng 4-1946, mặc dù nhiệm vụ còn rất mới mẻ, phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và gian khổ, thiếu thốn, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nhà trường đã gấp rút đào tạo được 7 khóa học với hơn 1.500 cán bộ quân sự, chính trị, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền và bảo vệ thành quả cách mạng.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, giương cao lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân” và danh hiệu “Trung dũng, quyết thắng” mà Bác Hồ kính yêu đã trao tặng, nhà trường vừa chiến đấu, vừa xây dựng và huấn luyện, nhanh chóng phát triển từ một trường bộ binh thành trường lục quân tổng hợp, đào tạo các chuyên ngành: Bộ binh, trinh sát, công binh, pháo binh, thông tin, hóa học. Sau 9 khóa học, nhà trường đào tạo gần 13.000 cán bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực, tạo những đòn quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi trên chiến trường, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu".
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với nhiệm vụ kép: Vừa xây dựng Trường Lục quân chính quy, kiểu mẫu, vừa đáp ứng yêu cầu đào tạo gấp rút cán bộ cho chiến trường, nhà trường đã gửi hàng vạn cán bộ, giáo viên trực tiếp ra chiến trường chiến đấu, tổng kết kinh nghiệm, biên soạn tài liệu huấn luyện. Với 26 khóa học, gần 40.000 cán bộ chỉ huy binh chủng hợp thành đã được đào tạo, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường có sự phát triển trên nhiều phương diện. Quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhà trường đã vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa vào nhiệm vụ đào tạo cán bộ, xây dựng nhà trường chính quy, vững mạnh toàn diện.
Nhà trường thực hiện đào tạo cán bộ theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” với nhiều chuyên ngành khác nhau đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện mới và “xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Năm 1998, nhà trường được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học. Ngày 28-10-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Trường Đại học Trần Quốc Tuấn trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Lục quân 1. Ngày 12-8-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định cho phép nhà trường đào tạo trình độ Thạc sĩ Khoa học quân sự, chuyên ngành Nghệ thuật quân sự. Đây là mốc son lịch sử đánh dấu sự phát triển vượt bậc và khẳng định vị thế, uy tín của nhà trường trong sự nghiệp đào tạo cán bộ cho Quân đội.
80 năm qua, nhà trường đào tạo 92 khóa học, trong đó có 88 khóa đã tốt nghiệp ra trường, cung cấp gần 12 vạn cán bộ, sĩ quan cho Quân đội ta; đào tạo hàng nghìn cán bộ quân sự cho các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latin, đặc biệt là cho nước bạn Lào anh em; cử hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên đi chuyên gia làm nhiệm vụ quốc tế và đón tiếp nhiều đoàn đại biểu quân sự các nước đến thăm, trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thắt chặt quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước trong khu vực và trên thế giới.
Lớp lớp thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ từ mái trường lục quân đã nối tiếp nhau trưởng thành; hơn 400 đồng chí trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp giữ những trọng trách của Đảng, Nhà nước, Quân đội; 37 đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng Lao động; 14 đồng chí được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; nhiều đồng chí trở thành các nhà khoa học, phó giáo sư, vận động viên tiêu biểu phá kỷ lục quốc gia, quốc tế trong các môn thể thao quân sự, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Hàng nghìn cán bộ, giảng viên do nhà trường đào tạo trở thành nòng cốt xây dựng các học viện, nhà trường của Quân đội.
Cùng với nhiệm vụ đào tạo cán bộ, nhà trường còn là một trung tâm nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự cấp phân đội, tổng kết kinh nghiệm chiến đấu, biên soạn tài liệu chiến thuật, kỹ thuật và điều lệnh cho toàn quân. Các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường không ngừng học tập, nghiên cứu, tiếp thu kiến thức, phát huy truyền thống lịch sử quân sự của cha ông, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của dân tộc và của Quân đội, tích cực nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo, góp phần bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam.
Từ Trường Quân chính kháng Nhật trên núi rừng Việt Bắc năm xưa đến Trường Sĩ quan Lục quân 1-Đại học Trần Quốc Tuấn ngày nay là một chặng đường đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng hết sức vẻ vang và rất đỗi tự hào. Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, dù làm nhiệm vụ trong nước hay trên nước bạn, cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường luôn giữ vững tình đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế; gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn dựa vào nhân dân để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường "thế trận lòng dân", giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế-xã hội; tích cực tham gia các phong trào: "Đền ơn đáp nghĩa", "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau", góp phần giữ gìn và tô thắm truyền thống, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, "Bộ đội Lục quân".
Với những cống hiến và thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ quốc tế, nhà trường được tặng thưởng: Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 3 Huân chương Hồ Chí Minh, 5 Huân chương Quân công, 7 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Lao động, 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 3 Huân chương Tự do-huân chương cao quý của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhà trường rất vinh dự, tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh 9 lần về thăm và nhiều lần gửi thư động viên, khen ngợi. Ngày 26-5-1945, nhân dịp khai giảng khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Người đã trực tiếp trao tặng nhà trường lá cờ thêu 6 chữ vàng "Trung với nước, hiếu với dân". Đây là kỷ vật vô giá của nhà trường và là lời thề danh dự của mỗi quân nhân đối với Tổ quốc, là truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đặc biệt, đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, nhà trường được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống vẻ vang của nhà trường anh hùng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường xác định:
Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy nhà trường về công tác giáo dục-đào tạo. Tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm "Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị" và quyết tâm nhà trường "phải đi trước đơn vị". Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy học sát với thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào giảng dạy và quản lý, điều hành huấn luyện. Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất, năng lực toàn diện, say mê nghiên cứu khoa học, phát huy tính tích cực, chủ động, tư duy sáng tạo, không ngừng nâng cao năng lực thực hành của học viên, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Tiếp tục triển khai nghiên cứu các đề tài, sáng kiến, cải tiến, biên soạn tài liệu, giáo trình và nhiệm vụ khoa học Bộ Quốc phòng giao.
Hai là, thường xuyên chăm lo, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu gắn với xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu". Làm tốt công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ đối với nhiệm vụ giáo dục-đào tạo cán bộ của nhà trường; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì các cấp. Gắn đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, các kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng quản lý, rèn luyện bộ đội; bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt, tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc về nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật. Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, tích cực tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” phục vụ tốt cho nhiệm vụ giáo dục-đào tạo của nhà trường. Sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Trung tướng, TS LÊ VĂN DUY, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 1
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Nhà trường Quân đội xem các tin, bài liên quan.