Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, sau 5 năm dừng công tác đào tạo hệ dân sự, việc xây dựng đề án đào tạo được nhà trường triển khai như thế nào và dự kiến năm đầu triển khai tuyển sinh sẽ là bao nhiêu chỉ tiêu?

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên: Khi triển khai xây dựng đề án đào tạo hệ dân sự các trình độ, trước hết nhà trường đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cùng với đó là căn cứ kết quả đào tạo những năm vừa qua và nhu cầu đào tạo đối tượng dân sự hiện nay.

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên. 

Cụ thể lại những con số thời gian nhà trường đào tạo dân sự từ năm 2002 đến 2018, đã đào tạo được 6.644 chỉ tiêu từ 16.129 thí sinh dự tuyển đến từ mọi miền của Tổ quốc; với 21 ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật trình diễn, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, quản lý văn hóa, báo chí và thông tin. Trong đó có 4.952 học viên dân sự (HVDS) tốt nghiệp (đại học 3.907 học viên, cao đẳng 349 học viên, trung cấp 696 học viên). Qua khảo sát 446 HVDS tốt nghiệp tại nhà trường và 40 cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, báo chí và thông tin trên toàn quốc có sử dụng nhân lực, kết quả đánh giá nhân lực của nhà trường đào tạo ra tốt trở lên là 84%; nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của nhà trường đào tạo trong thời gian tới là rất cần thiết 82,5%; về mong muốn tiếp tục trở lại đào tạo trình độ cao hơn (có nhu cầu và kế hoạch) 72,86%; việc nhà trường tiếp tục đào tạo đối tượng dân sự là rất cần thiết 99,55%.

Căn cứ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố, địa phương trong những năm tới có nhiều tiềm năng, quá trình xây dựng đề án, nhà trường xác định rõ giá trị cốt lõi: Chiến sĩ-Nghệ sĩ; Cống hiến-Tiên phong. Cùng với đó là triết lý giáo dục: Đào tạo cái Quân đội và xã hội cần, khai phóng tài năng, kỷ cương, chất lượng.

Năm nay nhà trường dự kiến tuyển sinh hệ dân sự 210-250 chỉ tiêu cho tất cả trình độ, từ thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp.

PV: Để bảo đảm tốt và phát huy những giá trị, uy tín của một trong những ngôi trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật hàng đầu của Quân đội và cả nước, nhà trường đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên: Nhà trường cũng đã có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa. Đầu tiên là các văn bản quy chế nói chung, hệ thống văn bản về đào tạo dân sự; tài chính, học phí cho đến thu, chi như thế nào (đăng tải công khai trên trang web và fanpage facebook của nhà trường)... Thứ nữa là đội ngũ giảng viên. Hiện nhà trường đang có đội ngũ giảng viên chất lượng cao, họ là những giảng viên-nghệ sĩ vừa giảng dạy, vừa hoạt động nghệ thuật, do đó sẽ đáp ứng tốt công tác đào tạo và hướng dẫn thực hành cho học viên. 100% cán bộ khoa và tổ trưởng bộ môn đã qua hoạt động thực tế trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; tỷ lệ cán bộ, giảng viên được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm là 86%...

Ngày hội tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội thu hút đông đảo thí sinh tham gia. Ảnh: CÔNG THÀNH 

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, trong 5 năm dừng đào tạo dân sự cũng xảy ra tình trạng thừa giảng viên. Có những giảng viên thiếu giờ chuẩn, bởi hệ quân sự có ngành không phải năm nào cũng được tuyển chỉ tiêu. Vì thế, nhà trường đã lên kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, mối quan hệ hợp tác với đội ngũ chuyên gia, giáo viên, nghệ sĩ có tên tuổi bên ngoài thời gian qua cũng bị ảnh hưởng do thiếu vắng học viên. Tuy nhiên, khi thông tin nhà trường được đào tạo trở lại hệ dân sự, các giảng viên bên ngoài đã rất ủng hộ quyết định này và hồ hởi nhận lời cộng tác trở lại trường giảng dạy.

PV: Tâm lý và mong muốn của người dân khi gửi gắm con em mình học tập trong các trường Quân đội ngoài việc học tập nâng cao trình độ, chuyên môn còn được rèn luyện với kỷ luật, an toàn. Vậy khi mở hệ đào tạo dân sự thì cơ sở vật chất có thể đáp ứng được cho 100% học viên học tập và sinh hoạt hằng ngày trong nhà trường?

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên: Về cơ sở ăn ở, hiện nhà trường đáp ứng đủ tiêu chuẩn với hệ đào tạo quân sự. Còn với hệ dân sự thì các bạn sẽ phải tự túc, cũng giống như các học viện, các nhà trường khác.

Với cơ sở đào tạo, các phụ huynh và học viên hoàn toàn yên tâm, nhà trường cơ bản bảo đảm đầy đủ điều kiện về giảng đường, thư viện, trang thiết bị giảng dạy, học tập và cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành biểu diễn chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ trong hội trường và sân khấu ngoài trời. Và quan trọng nữa là nhà trường có môi trường học tập và biểu diễn chuyên nghiệp, học viên có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu, học hỏi, làm việc với những nghệ sĩ chuyên nghiệp hoặc là những người đang trong quá trình sáng tạo.

PV: Trong những năm trở lại đây, nhà trường có thêm nhiệm vụ mới như: Huấn luyện đội tuyển văn hóa, nghệ thuật tham dự các kỳ thi quốc tế; thành lập Dàn nhạc giao hưởng Quân đội... Với các nhiệm vụ mới và quan trọng được nhà trường xác định như thế nào trong quá trình giáo dục và đào tạo?

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên: Đây là vinh dự và cũng là động lực để nhà trường tiếp tục có những thay đổi trong công tác đào tạo và biểu diễn phù hợp với sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Với công tác đào tạo, huấn luyện cho các đội tuyển, nghệ sĩ, diễn viên tham gia các cuộc thi văn hóa, nghệ thuật quốc tế, nhà trường đã có kinh nghiệm, điển hình là các Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) diễn ra tại Nga hay các cuộc thi nghệ thuật ở nhiều quốc gia khác. Với chủ trương thành lập Dàn nhạc giao hưởng Quân đội, nhà trường đã và đang tập trung triển khai các kế hoạch để tuyển chọn, dàn dựng, tập luyện và biểu diễn. Trước hết, một chương trình nghệ thuật sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025). Quá trình triển khai chương trình cũng là cơ hội giúp nhà trường tiếp thu những kinh nghiệm để tới đây từng bước tuyển sinh các bậc học về sáng tác, chỉ huy, tăng cường các môn học, loại hình nhạc cụ cổ điển châu Âu, nhạc cụ dân tộc... Việc hình thành dàn nhạc giao hưởng chắc chắn ảnh hưởng rất tốt đến công tác đào tạo của nhà trường.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

VƯƠNG HÀ - GIA KHOA (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.