Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, nhiệm vụ GD-ĐT, NCKH hiện nay của Học viện gặp những khó khăn gì khi Quân chủng PK-KQ được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại?

Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường: Trong tiến trình xây dựng Quân chủng PK-KQ tiến thẳng lên hiện đại, cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại, trong đó con người là nhân tố quyết định. Là trung tâm GD-ĐT và NCKH chuyên sâu trên các lĩnh vực PK-KQ và tác chiến điện tử, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện xác định quyết tâm xây dựng Học viện “cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”.

Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường. Ảnh: TRUNG QUÂN

Tuy nhiên, hiện nay, Học viện còn gặp một số khó khăn, như: Số cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị, kinh nghiệm thực tiễn còn ít; đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đang trong quá trình chuẩn hóa nên chất lượng không đồng đều, chưa cân đối giữa các ngành, chuyên ngành; hệ thống cơ sở vật chất, vũ khí, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ GD-ĐT và NCKH tuy đã được đầu tư, cải tiến, nâng cấp nhưng đã qua sử dụng nhiều năm, cường độ hoạt động lớn nên không đồng bộ, vật tư thay thế khan hiếm; một số VKTBKT hiện đại đã được trang bị ở các đơn vị trong Quân chủng nhưng chưa được biên chế ở Học viện...

PV: Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện đề ra chủ trương, biện pháp gì để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường: Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên, nhất là những chủ trương, phương châm, khâu đột phá về công tác GD-ĐT để cụ thể hóa vào thực tiễn của Học viện. Chúng tôi tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Chủ động đề xuất cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trường trong và ngoài Quân đội, đi thực tế tại các đơn vị, nhất là các đơn vị được trang bị VKTBKT mới, hiện đại; xây dựng, tạo nguồn và có cơ chế hỗ trợ đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trình độ sau đại học, giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên cao cấp và cán bộ khoa học đầu ngành.

Tiếp tục xây dựng mới, điều chỉnh quy trình, chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, bảo đảm tính toàn diện, hệ thống theo chuyên ngành, liên thông. Tích cực đổi mới phương pháp học tập của học viên, nhất là phương pháp “học đi đôi với hành, từ tư duy đến thực tiễn”; đa dạng hình thức đánh giá kết quả đào tạo. Nâng cao chất lượng NCKH, tập trung vào các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có tính ứng dụng thực tiễn cao, các phần mềm dạy học, thiết bị mô phỏng nguyên lý hoạt động của VKTBKT mới; các bước thao tác trong huấn luyện, thu hồi, triển khai khí tài; hành động của sĩ quan chỉ huy, kíp chiến đấu trong cơ động, thực hành chiến đấu...

Học viện chủ động đi trước, đón đầu trong xây dựng mô hình nhà trường thông minh gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực GD-ĐT. Nâng cấp và khai thác có hiệu quả trung tâm huấn luyện thực hành, trung tâm mô phỏng, phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm, sở chỉ huy diễn tập trung đoàn, sư đoàn; hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phục vụ nhiệm vụ GD-ĐT, NCKH.

Giờ học lý thuyết của học viên kỹ sư hàng không tại Học viện Phòng không - Không quân. Ảnh: TRUNG QUÂN

PV: Việc đổi mới nội dung, chương trình GD-ĐT gắn với huấn luyện chiến đấu được Học viện tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường: Quán triệt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, Học viện đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, quy trình GD-ĐT theo hướng bám sát tổ chức, biên chế, nhiệm vụ của Quân chủng, xây dựng các chương trình đào tạo bảo đảm tính logic, liên thông giữa các cấp học, bậc học. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các nội dung, chương trình, quy trình và thời lượng đào tạo các đối tượng phù hợp với sự phát triển của VKTBKT mới, cải tiến. Tăng cường nghiên cứu, cập nhật bổ sung kiến thức mới về nghệ thuật quân sự, các loại vũ khí mới, tin học, ngoại ngữ, thể lực, kiến thức quản lý nhà nước, kinh tế-xã hội... vào giảng dạy; kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy trình tổ chức thực tập, diễn tập, bắn đạn thật sát thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị.

Học viện cũng chủ động phối hợp với các đơn vị trong đánh giá chất lượng đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình đào tạo. Mời các chuyên gia trong và ngoài Quân đội, lãnh đạo, chỉ huy Quân chủng và các đơn vị tham gia giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm và đánh giá thi tốt nghiệp. Hằng năm, Học viện tổ chức khảo sát chất lượng các đối tượng sau đào tạo ở các đơn vị điểm, đủ quân, được trang bị VKTBKT mới, nhằm đánh giá chất lượng đào tạo, đồng thời bổ sung kiến thức thực tiễn đưa vào giảng dạy.

PV: Việc phối hợp, hợp tác trong GD-ĐT và NCKH của Học viện thì sao, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường: Học viện chủ động đẩy mạnh phối hợp, hợp tác với các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, các đơn vị và cơ sở nghiên cứu, sản xuất quốc phòng. Ưu tiên liên kết đào tạo cán bộ nghiên cứu, quản lý, khai thác làm chủ VKTBKT thế hệ mới, hiện đại và đào tạo cán bộ chỉ huy tham mưu PK-KQ, kỹ thuật hàng không, tác chiến điện tử. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp NCKH, hội thảo quốc tế, trao đổi kinh nghiệm dạy học, chia sẻ mô hình, phương pháp GD-ĐT và NCKH; khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên học liệu số của các cơ sở giáo dục, trung tâm nghiên cứu trong nước cũng như trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT và NCKH, nhất là đào tạo nguồn nhân lực mũi nhọn, chất lượng cao cho Quân chủng PK-KQ và Quân đội.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

SƠN BÌNH (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.