Đại tá, Tiến sĩ Phạm Xuân Nghĩa, Phó chủ nhiệm Khoa Vô tuyến điện tử cho biết: Thiết bị sonar có thể được ứng dụng trong lĩnh vực hàng hải hoặc nghiên cứu biển như đo độ sâu và lập bản đồ đáy biển, phát hiện vật cản và tránh va chạm, tìm kiếm cứu nạn giúp đảm bảo an toàn hàng hải, nghiên cứu địa chất và giám sát môi trường biển, khảo sát và thăm dò dầu khí. Trong lĩnh vực ngư nghiệp, việc sử dụng sonar để xác định được vị trí và kích thước các đàn cá giúp tăng hiệu quả đánh bắt.
 |
Một giờ thực hành tại Phòng thí nghiệm Sonar của học viên Học viện Kỹ thuật quân sự. |
Trong quốc phòng, an ninh việc ứng dụng sonar có vai trò quan trọng trong tác chiến chống ngầm. Đây là ứng dụng quân sự quan trọng nhất của sonar. Sonar được sử dụng trên tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, máy bay tuần tra biển để phát hiện và theo dõi tàu ngầm, tàu mặt nước của đối phương. Bên cạnh đó sonar còn được sử dụng để phát hiện nhằm đánh chặn ngư lôi của đối phương, dò quét mìn và phát hiện thủy lôi nhằm vô hiệu hóa mìn, thủy lôi dưới nước, đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải quân sự và dân sự.
Ngoài ra sonar còn được ứng dụng trong nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, vùng biển quan trọng. Sonar có thể được triển khai tại các căn cứ hải quân, cảng biển để phát hiện các mối đe dọa dưới nước, hoặc được bố trí trên các tàu tuần tra và kiểm soát lãnh hải để giám sát và phát hiện các hoạt động xâm nhập bất hợp pháp dưới nước. Đây là một công nghệ đa năng, không chỉ hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động kinh tế biển, khoa học và an toàn hàng hải trong đời sống xã hội mà còn đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.
Với vị trí quan trọng của các thiết bị sonar trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và quốc phòng, an ninh, theo nhu cầu cấp bách của Bộ Quốc phòng trong việc phát triển hệ thống giám sát ngầm cũng như hệ thống sonar theo công nghệ cao, thay thế thế hệ đã lạc hậu, không đồng bộ và hoạt động không hiệu quả, dần thay thế sản phẩm nhập khẩu với giá thành cao nên việc làm chủ công nghệ, thiết kế chế tạo được sản phẩm sonar công nghệ cao là yêu cầu cấp thiết.
Từ năm 2018, Học viện Kỹ thuật quân sự được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, chế tạo trạm sonar chủ động - thụ động lắp trên tàu mặt nước hải quân. Đây là dự án cấp quốc gia do Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ra-đa, Khoa Vô tuyến điện tử làm Chủ nhiệm, được nghiệm thu đạt loại xuất sắc năm 2022.
 |
Các học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự trong một giờ giảng về thiết bị sonar.
|
Trung tá Nguyễn Ngọc Đông, Chủ nhiệm Bộ môn Ra-đa, Khoa Vô tuyến điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự, thành viên chủ chốt của dự án trên chia sẻ: “Sản phẩm của dự án là hệ thống sonar đầu tiên được làm chủ công nghệ và sản xuất chế tạo trong nước với chức năng phát hiện, định vị, bám quỹ đạo mục tiêu là tàu ngầm, tàu mặt nước trong chế độ chủ động và định hướng nguồn âm trong chế độ thụ động. Đây là hệ thống sonar số, áp dụng các thuật toán xử lý và phân tích tín hiệu hiện đại, có trình độ kỹ thuật và công nghệ hiện đại tương đương các chủng loại sonar khác trên thế giới đang được trang bị trên tàu mặt nước của Quân chủng Hải quân”.
Ngoài việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ và sản xuất các thiết bị sonar hiện đại thì để vận hành, sử dụng các thiết bị sonar một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong chiến đấu thì cần đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư chuyên ngành cũng rất quan trọng. Học viện Kỹ thuật quân sự được Bộ quốc phòng giao nhiệm vụ đào tạo kỹ sư quân sự chuyên ngành Ra-đa sonar từ năm 2016. Việc thực hiện dự án đã góp phần đào tạo được đội ngũ chuyên gia kỹ thuật có trình độ cao trong lĩnh vực sonar thủy âm, trong đó có đóng góp quan trọng của Bộ môn Ra-đa, Khoa Vô tuyến điện tử.
Thời gian vừa qua, Bộ Quốc phòng đã đầu tư Phòng thí nghiệm sonar hiện đại tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, đây là cơ sở vật chất quan trọng, cùng với đội ngũ nhân lực hiện có, Khoa Vô tuyến điện tử đủ khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật, kỹ sư chuyên ngành thủy âm đáp ứng yêu cầu của các đơn vị trong Quân đội.
Phát huy những kết quả đạt được và những kinh nghiệm rút ra từ thực tế, nhất là từ các cuộc chiến tranh hiện nay trên thế giới, trong thời gian tới, Khoa Vô tuyến điện tử sẽ kịp thời cập nhật, bổ sung nội dung, chương trình đào tạo, mở mới các đề tài nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu thực tế; tích cực hợp tác với các cơ sở đào tạo tốt về lĩnh vực sonar ở trong và ngoài nước đề phối hợp nghiên cứu, giảng dạy; mở rộng ứng dụng thiết bị sonar trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bài và ảnh: THÀNH AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.