Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Khoa học và Công nghệ, phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Tào Đức Thắng nhấn mạnh mục tiêu, quyết tâm của Viettel trong việc nghiên cứu, làm chủ các công nghệ chiến lược và đẩy nhanh tiến trình đổi mới sáng tạo quốc gia.  

9 nhóm công nghệ chiến lược  

Theo Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới, lấy đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng. Một trong những trọng tâm là tạo đột phá trong việc phát triển và làm chủ các công nghệ chiến lược, nhằm nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh.  

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel phát biểu tại hội nghị. 

Tháng 6-2025 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục 11 nhóm công nghệ chiến lược tại Quyết định số 1311/QĐ-TTg. Đây là cơ sở quan trọng giúp các doanh nghiệp định hướng đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia.  

Với định hướng trở thành tập đoàn công nghệ toàn cầu, Thiếu tướng Tào Đức Thắng khẳng định, Viettel đã tập trung triển khai các chương trình nghiên cứu chiến lược, đầu tư bài bản cho nguồn nhân lực trình độ cao cũng như hạ tầng phục vụ nghiên cứu, sản xuất nhằm làm chủ các công nghệ chiến lược. Đến nay, Viettel đã chủ động tham gia phát triển 9 trên tổng số 11 nhóm công nghệ chiến lược trong Quyết định của Thủ tướng.  

(1) Trí tuệ nhân tạo, bản sao số, thực tế ảo, thực tế tăng cường: Viettel tập trung nghiên cứu và phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, trợ lý ảo, bản sao số cho các đô thị.  

(2) Công nghệ điện toán đám mây, lượng tử, dữ liệu lớn: Viettel nghiên cứu và phát triển dịch vụ điện toán đám mây và xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn. Viettel cũng đang nghiên cứu định hướng và lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ lượng tử.  

(3) Công nghệ Blockchain: Viettel đang nghiên cứu tính khả thi về công nghệ để sẵn sàng tham gia phát triển và thử nghiệm sàn giao dịch tài sản mã hóa và tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương theo định hướng của Nhà nước.  

(4) Công nghệ mạng di động thế hệ sau (5G/6G): Viettel đã và đang nghiên cứu đầy đủ các sản phẩm trong hệ sinh thái mạng 5G/5G-Advanced.  

(5) Công nghệ robot và tự động hóa: Viettel đang nghiên cứu và phát triển robot hình người và robot tự hành, trong đó có những sản phẩm robot AGV đã được ứng dụng thành công trong chia chọn hàng hoá của TCT Bưu chính Viettel.  

(6) Công nghệ chip bán dẫn: Viettel tập trung nghiên cứu thiết kế chip cho thiết bị thu phát sóng 5G-Advanced/6G, chip bảo mật, chip xử lý tại biên.  

(7) Công nghệ năng lượng, vật liệu tiên tiến: Viettel đang bắt đầu nghiên cứu một số công nghệ gia công vật liệu tiên tiến, xử lý bề mặt tiên tiến cho lĩnh vực hàng không vũ trụ; phát triển hệ thống pin lưu trữ công suất lớn.  

(8) An ninh mạng: Viettel đã và đang nghiên cứu phát triển các giải pháp đảm bảo an ninh cho các hạ tầng trọng yếu. Một số sản phẩm tiêu biểu đã được Viettel triển khai cho các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp lớn như Viettel SOC Platform, Viettel Anti-DDoS.  

(9) Công nghệ hàng không, vũ trụ: Viettel đang nghiên cứu vệ tinh tầm thấp; nghiên cứu phát triển thiết bị bay không người lái phục vụ lưỡng dụng.   

Đề xuất cơ chế, chính sách để thúc đẩy công nghệ chiến lược 

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu thu hút nhân tài về nước làm việc, Thiếu tướng Tào Đức Thắng cho rằng cần có thêm những cơ chế, chính sách đồng bộ, hiệu quả. Do đó, Viettel đề xuất Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng: Cho phép chuyên gia được sở hữu, đồng sở hữu các kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ngoài ra được sở hữu hoặc có cổ phần tại các doanh nghiệp hình thành từ kết quả nghiên cứu… Nội dung này xuất phát từ việc Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quy định người trực tiếp tạo ra kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ có quyền tác giả; tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính có quyền sở hữu.  

Viettel được tạp chí uy tín quốc tế đánh giá là một trong những doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất châu Á, là lợi thế để Viettel thu hút các nhân tài về làm việc. “Trong thời gian tới, Viettel sẽ đóng góp cụ thể bằng việc thu hút thêm 50 nhân tài về làm việc tại Tập đoàn”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng đặt mục tiêu.  

Truyền hình tương tác trên hạ tầng 5G của Viettel. Ảnh: Trần Thọ

Viettel đề xuất Nhà nước áp dụng cơ chế: Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp vận hành các phòng thí nghiệm, cơ sở đo lường, thử nghiệm trọng điểm để đánh giá các sản phẩm công nghệ chiến lược. Đây là cơ chế tương tự như cơ chế Viettel đang đề xuất trong Đề án xây dựng nhà máy chip bán dẫn để báo cáo Chính phủ nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn.  

Doanh nghiệp triển khai công nghệ chiến lược là môi trường thực tiễn để đào tạo sinh viên tài năng. Trong 5 năm qua, Viettel đã thực hiện chương trình Viettel Digital Talent, mỗi năm tuyển chọn khoảng 500 sinh viên đến thực tập tại Viettel, trong đó nhiều sinh viên đạt giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế.

“Để gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, đồng thời mở rộng kiến thức và tăng tính thực tiễn cho sinh viên, Viettel mong muốn có cơ chế công nhận quá trình sinh viên thực tập tại doanh nghiệp như một tín chỉ trong chương trình đào tạo”, Chủ tịch Tập đoàn Viettel đề xuất với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ.  

Bài, ảnh: VĂN PHONG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.