Với chủ đề "Phục hồi kinh tế, định hình tương lai", lễ khai mạc Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 - AI Summit Việt Nam 2022 đã diễn ra tại Hà Nội vào sáng 23-9.

Nguồn nhân lực AI của Việt Nam còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu

Tại sự kiện, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét năm nay có nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo không chỉ từ những doanh nghiệp lớn, uy tín mà còn cả các doanh nghiệp nhỏ hay những người làm AI cùng tham gia. Điều đó cho thấy công nghệ sẽ thay đổi nhiều cuộc sống của chúng ta.

Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống. Bởi nguồn nhân lực AI của Việt Nam còn thiếu, việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ trong nước và cả nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là công việc bất khả thi mà chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tương lai.

leftcenterrightdel
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham quan các gian hàng tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022. Ảnh: La Duy

Phó thủ tướng nhận thấy khi nói về AI, những bạn trẻ đi du học hay làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều dễ dàng hiểu nhưng không phải tất cả người Việt Nam đều hiểu về AI. Do đó, chúng ta cần lan tỏa khái niệm, sự hiểu biết về AI không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học, công nghệ, công nghiệp... mà còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác.

Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam đang có cái nhìn thực tiễn, đi theo xu thế của thế giới và khoa học nhưng cần tự tin hơn. Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực AI mở rộng, nghĩa là không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, công nghệ thông tin... mà dành cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực khác.

"Trước đây, chúng ta nói xóa mù về công nghệ thông tin thì giờ là xóa mù AI", Phó thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn đưa AI vào trong trường học để từ các em nhỏ đều có thể tiếp cận sớm.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, sự kiện nhằm mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm góp phần giải quyết những vấn đề thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ mới giúp tối ưu hóa năng lực cạnh tranh.

Kinh nghiệm từ quốc tế và thực tế ứng dụng AI tại Việt Nam

Thảo luận về lợi ích của AI trong cuộc sống con người, ông Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI chia sẻ, AI có những đóng góp lớn cho nền kinh tế thế giới, với khoảng 60.000 tỷ USD vào năm 2030. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp cho quốc gia phát triển mà còn cả nước đang phát triển.

Ông dẫn một nghiên cứu cho thấy, lần đầu tiên, Việt Nam xếp thứ 26 trên toàn thế giới về năng lực nghiên cứu AI, vượt qua cả UAE, đồng thời cũng là một trong hai quốc gia Đông Nam Á góp mặt trong bảng xếp hạng này.

Đại diện VinAI cũng đưa ví dụ cho thấy đơn vị này đã đưa kết quả nghiên cứu vào thực tế. Theo ông Hưng, tai nạn giao thông xảy ra do tài xế thiếu tập trung, có điểm mù trên đường, bị say... Đây là những vấn đề có thể giải quyết bằng AI. Theo đó, có thể sử dụng hệ thống xóa bỏ điểm mù khi tham gia giao thông ở đường hẹp, đông đúc; hay sử dụng AI ngăn chặn nguy hiểm khi lái xe lúc mệt, bị ốm... Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn có thể sử dụng để dự đoán hình ảnh.

leftcenterrightdel
Các đại biểu và chuyên gia tại tọa đàm. Ảnh: La Duy

Đề cập tới chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại số với AI", ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud lấy ví dụ, theo IBM, 35% doanh nghiệp báo cáo AI đã giúp tăng doanh thu tối thiểu 5%. Ảnh hưởng của AI đang mang đến, tạo ra động lực rất lớn. Trí tuệ nhân tạo mang lại năng suất cho doanh nghiệp, giúp tạo ra bước nhảy vọt về năng suất. "Chúng tôi xác định trí tuệ nhân tạo là công nghệ chiến lược giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng và kiến tạo lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ số. AI được sử dụng để đầu tư vào trong sản xuất, nông nghiệp, văn phòng... giúp tối ưu hóa, trải nghiệm của khách hàng. Điều này mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp khi kết hợp giữa con người và máy tính, đem lại giá trị lớn", ông Lê Hồng Việt nói.

Tại tọa đàm "Kinh nghiệm ứng dụng AI từ doanh nghiệp", bà Stela Solar, Giám đốc Trung tâm Trí tuệ nhân tạo quốc gia Australia cho rằng, AI là một trong những công cụ quan trọng để xã hội hoạt động tốt hơn, vượt qua sự phức tạp, giúp định vị số lượng thông tin khổng lồ và đưa ra giải pháp. Trong bối cảnh hiện nay có sự tương phản rất lớn, xuất hiện nhiều chuyên gia chất lượng trên thế giới về khoa học tự nhiên nhưng nhiều bộ phận còn chưa hiểu về AI. "Nền kinh tế của chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, tỷ lệ ứng dụng AI còn chưa cao, vẫn đang dừng lại ở mức độ nghiên cứu", bà Stela Solar nhận định.

"Hiện nay, chúng tôi lập 3 tổ chức nghiên cứu về AI để tăng cường năng lực đang có bằng cách tìm kiếm đối tác trong khu vực có sự đa dạng hóa, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi muốn công nghệ được sử dụng ở mức độ cao nhất trong quá trình thương mại hóa và mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam", bà Stela nói.

Chuyên gia đến từ Australia cũng đưa ra khuyến nghị để ứng dụng AI vào cuộc sống. Cụ thể, AI không tạo ra cái mới mà giúp chúng ta làm những việc đã làm rồi, nhân rộng lên, tương khắc với cộng đồng và tạo ra sản phẩm được yêu thích. Do đó, những nguyên tắc về đạo đức rất có ích trong phát triển AI và ứng dụng AI vào cuộc sống. "Chúng ta cần cân bằng giữa pháp luật và nguyên tắc đạo đức trong việc ứng dụng AI", bà Stela Solar khuyến nghị.

VĂN PHONG