Tỉnh Nam Định đã có những bước đi rõ ràng và quyết liệt trong việc thúc đẩy ứng dụng KHCN và CĐS. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao bằng việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15-10-2021 về CĐS tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu trọng tâm của nghị quyết là đến năm 2025, Nam Định phấn đấu thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đánh giá CĐS; xây dựng chính quyền số hiệu lực, hiệu quả; phát triển mạnh kinh tế số, xã hội số và hạ tầng số toàn diện.

Năm 2022, UBND tỉnh Nam Định cũng ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh, xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số chiếm ít nhất 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị nhấn mạnh: “CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nam Định. Việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính đã giúp tạo ra một chính quyền thân thiện, hiện đại, đồng hành với doanh nghiệp”.

Cán bộ phường Năng Tĩnh (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) hướng dẫn người cao tuổi trên địa bàn sử dụng dịch vụ số. 

Nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đến nay, các bước triển khai đã mang lại những chuyển biến rõ nét trong cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại tỉnh Nam Định. Về chính quyền số, trên địa bàn, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến; hệ thống phần mềm một cửa điện tử đã được triển khai tại tất cả các sở, ban, ngành và UBND các cấp.

Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân có thể tra cứu, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ký số qua mạng... góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và giảm tải thủ tục hành chính. Việc xây dựng kho dữ liệu điện tử dùng chung của tỉnh và Hệ thống thông tin, chỉ đạo, điều hành tập trung (IOC) tỉnh Nam Định đang được triển khai, kết nối dữ liệu thời gian thực về giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, giải quyết thủ tục hành chính, giúp nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp.

Về kinh tế số, tỉnh đã thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và thương mại điện tử. Tỷ trọng kinh tế số đến nay đạt khoảng 17% GRDP, đang tiến dần đến mục tiêu 20% vào năm 2025. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống đã bắt đầu bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Việc thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh tại các điểm bán lẻ và cơ sở y tế, trường học.

Về xã hội số, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) và kết nối internet tăng cao. Tỉnh Nam Định đã cơ bản hoàn thành hạ tầng công nghệ thông tin, mạng viễn thông và nền tảng kết nối phục vụ CĐS. Tính đến năm 2024, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng 4G, mạng cáp quang được kết nối đến 100% các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện.

Những nỗ lực toàn diện về cải cách, hạ tầng và CĐS đã mang lại kết quả rõ rệt. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định Vũ Trọng Quế cho hay, năm 2024, chỉ số xếp hạng chuyển đổi số (DTI Index) của Nam Định đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, theo báo cáo Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 do Bộ Nội vụ mới công bố, Nam Định vinh dự là địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ số xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số với điểm chỉ số đạt mức 95,99%, cao hơn 5,24%, tăng 6 bậc so với năm 2023. Từ cuối năm 2022, khi Chính phủ triển khai bộ chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đến nay, Nam Định luôn nằm trong tốp đầu về xếp hạng của Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có nhiều tháng, nhiều quý là tỉnh dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố. Nam Định cũng là một trong 10 tỉnh, thành phố đầu tiên hoàn thành việc kết nối và khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song quá trình ứng dụng KHCN và thúc đẩy CĐS tại Nam Định vẫn gặp một số thách thức: Hạ tầng số còn chưa đồng đều; nhận thức của một bộ phận người dân và cán bộ cơ sở còn hạn chế; nguồn nhân lực công nghệ thông tin chưa đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng.

Để khắc phục những hạn chế đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Chương trình hành động 54-CTr/TU ngày 20-2-2025 hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 21-2-2025 thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các chương trình, kế hoạch đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mục đích đưa phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS từng bước trở thành yếu tố dẫn dắt trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, là động lực đóng góp tích cực xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thể hiện rõ nét sự đóng góp của yếu tố KHCN vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Với tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo quyết liệt và đồng lòng từ chính quyền đến người dân, Nam Định đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế là một trong những địa phương tiêu biểu trong công cuộc CĐS quốc gia. Những bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng KHCN và CĐS đã và đang trở thành đòn bẩy chiến lược để Nam Định phát triển bứt phá kinh tế-xã hội.

ĐAN THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chuyển đổi số xem các tin, bài liên quan