“Ninh Bình quyết tâm bứt phá đi lên, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Ðồng bằng sông Hồng, một trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Ðông Nam Á, đồng thời nỗ lực đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp phụ trợ ô tô, linh kiện điện tử, chế biến nông sản công nghệ cao; những dự án dịch vụ, thương mại gắn liền với du lịch và phục vụ phát triển du lịch, tạo sức hấp dẫn và giữ chân du khách”, đồng chí Ðoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết.

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20-4-2021 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về “Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đến tháng 10-2024, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác, sử dụng ổn định, hiệu quả 15 nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số.

Với tiềm năng và lợi thế, Ninh Bình đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng “Ðô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo".

Mục tiêu về xây dựng xã hội số đến năm 2025 là: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; ít nhất 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử; 90% người dân được tiếp cận với các dịch vụ của chính quyền số, đô thị thông minh...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Ðoàn Minh Huấn, để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số, Ninh Bình cần tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số có hiệu quả, chất lượng.

Tỉnh cần tiếp tục tập huấn, nâng cao kiến thức và trình độ về dữ liệu số; kỹ năng số; kỹ năng xử lý, ứng cứu, khắc phục sự cố mất an toàn an ninh thông tin, gắn với vị trí việc làm cho công chức, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quản trị mạng, bảo đảm an toàn thông tin, chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và cán bộ công nghệ các xã, phường.

Ði liền với đó là ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; tận dụng, kế thừa hạ tầng kỹ thuật, thiết bị sẵn có để phát triển, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ sự phát triển của kinh tế số và lĩnh vực công nghệ thông tin, Ninh Bình cần nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, để các doanh nghiệp có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và có nhiều sản phẩm được gắn mã QR giới thiệu ra thị trường.

Mặt khác, xây dựng mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế-xã hội, hình thành diện mạo "làng số", "xã thông minh" để nhân rộng trong toàn tỉnh. Mô hình "Làng số" ở xã Yên Hòa (huyện Yên Mô) đã được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) giới thiệu là mô hình điểm Làng số (Digital Village) để các nước trên thế giới tham khảo.

Cùng với đó, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đầu năm 2025 sẽ hoàn thành kế hoạch sáp nhập huyện Hoa Lư và TP Ninh Bình. Thời điểm này, tỉnh Ninh Bình đang khẩn trương tuyên truyền, thông tin về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính thông qua công nghệ số, chuyển đổi số tới nhân dân.

Với định hướng phát triển là đô thị di sản thiên niên kỷ, trong công cuộc chuyển đổi số với nhiều tiện ích, kinh nghiệm, TP Hoa Lư trong tương lai cũng sẽ có thêm điều kiện tập trung phát triển du lịch-dịch vụ, dựa trên nền tảng giá trị văn hóa-lịch sử của cố đô Hoa Lư, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, kiến tạo đô thị di sản thiên niên kỷ.

Bài, ảnh: VÂN ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.