Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, BĐBP thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Thanh Đức, Chỉ huy trưởng BĐBP TP Hồ Chí Minh xoay quanh vấn đề này.

Đại tá Trần Thanh Đức. 

Phóng viên (PV): Những đặc điểm chủ yếu tác động đến công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số của BĐBP thành phố là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Thanh Đức: TP Hồ Chí Minh có hệ thống cảng biển, cửa khẩu, kênh sông khá đa dạng. Số lượng tàu, thuyền, phương tiện, nhân lực ra, vào cảng đông đúc, phức tạp... BĐBP thành phố thực hiện nhiều nhiệm vụ trên địa bàn rộng, cường độ cao trong khi quân số chưa đủ theo biên chế. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới biển Cần Giờ nói chung và tại cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh nói riêng cơ bản ổn định; tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa bàn. Các đối tượng vi phạm pháp luật với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; buôn lậu, gian lận thương mại; khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép...

Những đặc điểm này tác động trực tiếp đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của BĐBP thành phố, đòi hỏi phải đổi mới công tác biên phòng, đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ vững chắc an ninh trật tự khu vực cảng biển, cửa khẩu và nhu cầu chính đáng về sản xuất, kinh doanh, giao thương, đi lại... của doanh nghiệp và người dân.

PV: BĐBP TP Hồ Chí Minh là một điểm sáng về cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, đề nghị đồng chí cho biết những kết quả nổi bật về công tác này?

Đại tá Trần Thanh Đức: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh BĐBP và Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP thành phố thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số trong quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất-nhập cảnh; chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các thủ tục biên phòng; cấp thị thực và các loại giấy phép; kiểm tra, giám sát biên phòng.

Về thủ tục biên phòng điện tử gắn với chuyển đổi số: Trước đây, thủ tục biên phòng được thực hiện bằng phương pháp thủ công, người làm thủ tục phải nộp và xuất trình cho biên phòng cửa khẩu cảng 9 loại giấy tờ; thời gian hoàn thành làm thủ tục xuất-nhập cảnh cho một chuyến tàu thường mất từ 60-90 phút. Hiện nay, thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”, thủ tục, giấy tờ chỉ còn 5 loại (2 loại bắt buộc, 3 loại nếu có); thời gian rút xuống chỉ còn 10-15 phút.

Đặc biệt, từ ngày 1-7-2018 đến nay, BĐBP thành phố đã triển khai thực hiện toàn trình 12 thủ tục biên phòng điện tử đối với tàu, thuyền đến và rời cảng. Thủ tục biên phòng điện tử được thực hiện 24/7 (kể cả ngày lễ, Tết) mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Về công tác cấp thị thực và các loại giấy phép gắn với chuyển đổi số: Căn cứ Nghị định số 77/2017/NĐ-CP của Chính phủ, BĐBP thành phố đã triển khai đơn giản hóa, cải cách TTHC, bãi bỏ các loại giấy tờ không cần thiết, chuyển đổi cách thức cấp thị thực và các loại giấy phép từ thủ công sang điện tử. Đơn vị đang thực hiện cấp các loại giấy phép bằng cách thức điện tử ở cấp độ 3 thông qua phần mềm Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử, được in mã vạch.

Về công tác kiểm tra, giám sát biên phòng gắn với chuyển đổi số: Trước đây, công tác này được thực hiện trực tiếp tại tàu, nay đã chuyển sang kiểm tra, giám sát khu vực, kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ tạo thuận tiện và hiệu quả cao. Việc kiểm soát đối với hành khách trên tàu du lịch quốc tế đến cảng giảm, từ thời gian 1-2 phút/người, xuống còn 10-12 giây/người. Từ năm 2019, đơn vị đã thực hiện kiểm soát các loại giấy phép cấp cho người Việt Nam, người nước ngoài xuống, rời tàu bằng công nghệ in mã vạch 2D, giúp giảm thời gian kiểm soát một giấy phép từ 2 đến 3 phút xuống còn khoảng 30 giây...

 Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh trao thưởng các cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: KIỂM LƯƠNG

PV: Đồng chí có thể nêu những lợi ích thiết thực của cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số?

Đại tá Trần Thanh Đức: Trước hết phải khẳng định rằng, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số thể hiện sự chuyên nghiệp, hiện đại trong công tác biên phòng, mang lại nhiều lợi ích cho quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thứ hai là rút ngắn thời gian chờ đợi làm thủ tục, nhiều loại giấy tờ được cắt giảm, nhiều thủ tục làm xong trước khi tàu cập cảng, từ đó kéo giảm thời gian tàu, thuyền neo đậu, có thể bốc dỡ hàng hóa ngay khi cập cảng, thuyền viên được đi bờ ngay để tham quan, du lịch... Thứ ba là tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp khi rút ngắn thời gian neo đậu, đi lại. Thứ tư là nâng cao uy tín và sự hài lòng của đối tác, doanh nghiệp đối với công tác quản lý, kiểm soát, phục vụ của cơ quan chức năng Việt Nam nói chung và lực lượng biên phòng nói riêng. Những lợi ích đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn và định vị “thương hiệu” cảng biển Việt Nam...

PV: Mục tiêu mà BĐBP thành phố hướng tới trong cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Thanh Đức: Mọi hoạt động đều nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị trung tâm. Do vậy, chúng tôi hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất-nhập cảnh, bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong các hoạt động xuất-nhập cảnh, xuất khẩu và giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội tại cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh... BĐBP thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ trong thực hiện thủ tục biên phòng đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới số hóa, tự động hóa trong thực hiện thủ tục, kiểm tra, kiểm soát biên phòng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG THÀNH (thực hiện)

*Mời  bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.