Tuy nhiên, việc các em trở lại trường học phải vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, vừa bảo vệ thành quả phòng, chống dịch (PCD). 

Ngày 8-11, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn PCD Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chia sẻ, trong đợt dịch lần thứ tư, tổng số cán bộ, giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19 là gần 47.500 trường hợp. Hiện dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương.

Trường Trung học cơ sở Đông Quang (huyện Ba Vì) thực hiện vệ sinh, khử khuẩn để đón học sinh vào ngày 8-11. Ảnh: Hanoimoi.com.vn 

Dịch cũng đã xuất hiện ở một số trường học khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp, dẫn tới một số địa phương phải chuyển đổi kế hoạch, chuyển sang dạy học trực tuyến, kế hoạch mở cửa trở lại ở các địa bàn vùng xanh phải điều chỉnh vì địa phương phát sinh nhiều ca nhiễm cộng đồng. Chương trình đặt ra của năm học 2021-2022 có nhiều nguy cơ không hoàn thành, chất lượng giáo dục cũng ảnh hưởng nhất định.

Theo bà Châu Hoài Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh: Khó khăn lớn nhất hiện nay là bảo đảm giãn cách trong trường học, do sĩ số lớp học đông. Theo quy chuẩn, sĩ số cấp tiểu học là 35 học sinh/lớp, THCS, THPT là 45 học sinh/lớp. Tuy nhiên, ở những địa bàn trung tâm như TP Hạ Long, Cẩm Phả, sĩ số học sinh vượt quy chuẩn nên việc bảo đảm giãn cách trong lớp học rất khó thực hiện.

Từ khi có ca F0, Quảng Ninh yêu cầu đeo khẩu trang nghiêm ngặt... Về vấn đề đeo khẩu trang của học sinh, ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ nêu ý kiến: “Việc đeo khẩu trang toàn thời gian trong lớp học rất khó thực hiện. Cần phải có hướng dẫn cụ thể để giúp các trường, các sở GD&ĐT có thể quản lý vừa hiệu quả, vừa bảo đảm sức khỏe cho các em, vừa bảo đảm yêu cầu PCD”.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Nho Huy, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) thông tin, đến nay, có 28 tỉnh, thành phố đang tổ chức cho học sinh, sinh viên học trực tiếp.

35 tỉnh, thành phố với 337 quận/huyện đang học trực tuyến, học trên truyền hình. Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố kiến nghị Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cần thống nhất kịch bản hướng dẫn xử lý khi phát hiện F0 trong trường học. Một số địa phương chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.

Trước những vấn đề ngành giáo dục đặt ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Các nước trên thế giới đã thay đổi chiến lược, phương án PCD thích ứng trong tình hình mới, vừa bảo đảm PCD, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị sở y tế, sở GD&ĐT các địa phương phối hợp rà soát, yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch PCD theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ với cốt lõi là “thích ứng, linh hoạt, an toàn”; hướng dẫn các cơ sở giáo dục đánh giá cấp độ dịch để quyết định hình thức tổ chức hoạt động giáo dục bảo đảm phù hợp.

Các địa phương ở cấp độ 1 có thể cho học sinh đi học trực tiếp, kể cả học sinh tiêm hoặc chưa tiêm vaccine; các địa phương ở cấp độ 2 vẫn có thể đến trường học nhưng giảm mật độ học sinh, lập kế hoạch để bảo đảm giãn cách về số lượng và kết hợp học trực tuyến... Về việc khi học sinh trở lại trường học sẽ thực hiện "5K" như thế nào, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1583/BGDĐT-GDTC về việc thực hiện các biện pháp PCD trong trường học. Theo văn bản này, học sinh không sử dụng mũ, nón, trang phục có tấm chắn giọt bắn cá nhân trong lớp học; không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học; tiếp tục duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường về nhà; không áp dụng giãn cách trong lớp học; hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp học với nhau và chỗ đông người.

Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) lưu ý, khi có ca nhiễm Covid-19 thì phong tỏa tạm thời ngay toàn bộ trường học; rà soát tất cả những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ trong trường học và cộng đồng, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm mẫu đơn. Tất cả học sinh, giáo viên cùng lớp học có F0 thì đều được coi là F1, lấy mẫu bệnh phẩm theo mẫu đơn. Đồng thời, rà soát F2, lấy mẫu xét nghiệm nếu tiên lượng thấy nguy cơ F1 có thể đã trở thành F0 và lây cho F2. 

DIỆP CHÂU