Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội được tổ chức từ năm 2000, qua 24 năm triển khai đã có hàng chục nghìn công trình, sáng kiến ở cấp cơ sở dự thi. Năm 2024, Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội có 795 công trình thuộc 42 đơn vị tham gia, tăng 179 công trình so với năm 2023. Trong đó, có 429 công trình đoạt giải (chiếm tỷ lệ 55% công trình dự thi) với 6 giải nhất, 94 giải nhì, 150 giải ba, 179 giải khuyến khích. Các công trình tham dự giải thưởng đều được ứng dụng vào thực tiễn tại đơn vị đem lại hiệu quả cao.

leftcenterrightdel

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tham quan các sản phẩm quân sự của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel trưng bày tại Lễ tổng kết, trao Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Trong số 429 công trình đoạt giải, các đơn vị thuộc Tập đoàn Viettel đoạt 10 giải với 1 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải ba, 1 giải khuyến khích. Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI) đoạt 1 giải nhì với đề tài Nghiên cứu, xây dựng phần mềm nhận dạng hành vi con người từ video để phục vụ cho các hệ thống giám sát video thông minh.

Tổng công ty Viễn thông Viettel (VTT) đoạt 1 giải nhì, 1 giải ba.

Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS) đoạt 1 giải nhì với đề tài Xây dựng nền tảng quản lý dịch vụ phân tích video VAS.

Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX) đoạt 2 giải ba, 1 giải khuyến khích.

Đặc biệt, VHT có tới 3 giải, gồm giải nhất thuộc về công trình Nghiên cứu, sản xuất đài radar 3D chiến thuật băng S VRS-SRS; giải nhì thuộc về công trình nghiên cứu, xây dựng tổ hợp mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và phi công SU30-MK2; giải ba thuộc về Đề tài Nghiên cứu phát triển hệ thống IMS (IP Multimedia Subsystem) cung cấp dịch vụ VoLTE và ViLTE.

Chia sẻ về công trình đoạt giải nhất “Nghiên cứu, sản xuất đài radar 3D chiến thuật băng S VRS-SRS”, đồng chí Trần Hoàng Việt, Trưởng phòng Công nghệ ăng-ten mảng pha chủ động, Trung tâm Radar (VHT) cho biết: Năm 2018, Quân chủng Phòng không-Không quân đưa ra đầu bài với VHT là nghiên cứu, sản xuất đài radar 3D chiến thuật. Ngay lập tức, đội ngũ chuyên gia của VHT bắt tay vào nghiên cứu radar 3D. Từ radar 3D, VHT phát triển ra 3 phiên bản và đến phiên bản thứ 3. Các phiên sau nâng cấp tốt hơn phiên bản trước và đến phiên bản thứ 3 cơ bản là hoàn thành mong muốn của Quân chủng Phòng không-Không quân.

leftcenterrightdel
 Đài radar 3D chiến thuật băng S VRS-SRS của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel đặt tại Khu công nghệ Hòa Lạc (Hà Nội).

“Trong quá trình nghiên cứu đội ngũ chuyên gia của VHT gặp rất nhiều khó khăn từ yếu tố kỹ thuật, cơ sở vật chất cho đến nhân lực. Đơn cử như, thời điểm năm 2019 và 2020, đội ngũ nghiên cứu đang hoàn thiện radar 3D phiên bản thứ nhất thì Bộ Quốc phòng đặt hàng 26 bộ radar 3D đúng vào thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19. Lúc đó nhân lực của VHT thiếu rồi nhà máy bên nước ngoài cung cấp vật tư cho nghiên cứu, sản xuất bị giới hạn. Vì thế có những vật tư khi chúng tôi nghiên cứu thì có nhưng khi sản xuất thì không còn nữa nên đặt ra bài toán là phải thay đổi vật tư linh kiện. Câu hỏi đặt ra lúc bấy giờ là liệu thay vật tư linh kiện mới có bảo đảm chất lượng không? Có chạy theo đúng chức năng không? Lúc đó, chúng tôi ngày đêm thay đổi thiết kế và mong chờ vật tư về để thử nghiệm kịp tiến độ sản xuất. Rất may mắn nhờ sự nỗ lực của đội ngũ chuyên gia tìm hiểu nguyên lý của vật tư linh kiện thì thiết kế sau này hoạt động bảo đảm yêu cầu”, đồng chí Việt nhớ lại.

Khó khăn tiếp theo là việc thiết kế hệ thống phải tính toán nhiều, ngoài tính năng kỹ thuật thì độ bền là yếu tố luôn đặt lên song song và việc lựa chọn linh kiện phải bảo đảm cả hai yếu tố trên. Ngoài ra, sau khi sản xuất xong có rất nhiều bài kiểm tra liên quan đến môi trường như rung, xóc, độ ẩm. Do đó, VHT đã phải đầu tư rất nhiều hệ thống có thể kiểm tra các yếu tố đó.

Với sự nỗ lực ngày, đêm nghiên cứu, liên tục thử nghiệm, nâng cấp tính năng thì công trình Nghiên cứu, sản xuất đài radar 3D chiến thuật băng S VRS-SRS cũng đã hoàn thiện bảo đảm yêu cầu của Quân chủng Phòng không-Không quân đưa ra và được Hội đồng Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24 đánh giá rất cao.

Đồng chí Trần Hoàng Việt chia sẻ: “Đội ngũ chuyên gia của VHT đều cảm thấy tự hào khi sản phẩm nghiên cứu của mình đã được cung cấp thực tế cho Bộ Quốc phòng, cho Quân chủng Phòng không-Không quân, được trang bị khắp toàn quân. Đây là nguồn động viên lớn để những người làm công tác nghiên cứu như chúng tôi tiếp tục say mê cống hiến để tạo ra những sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất phục vụ cho quốc phòng, an ninh”.

Bài và ảnh: THU HƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.