Nguồn dưỡng bất tận

Những ngày đến sinh hoạt tại Hội Âm nhạc Hà Nội, tôi thường rất ấn tượng với một cô giáo trong tà áo dài thướt tha, duyên dáng, có chất giọng đẹp và đầy tình cảm. Hỏi ra mới biết, riêng trong lĩnh vực ca hát, chị đã giành một số giải thưởng, như: Giải nhì Hội diễn “Tiếng hát thầy và trò ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội” năm 2014; Giải A Liên hoan “Tiếng hát cựu chiến binh Thủ đô Hà Nội” năm 2019... Và cũng chính giọng hát ấy đã làm mê đắm lòng người qua các ca khúc “Nhớ về Hà Nội”, “Hà Nội, niềm tin và hy vọng”, “Bài ca Hà Nội”… 

Được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cô giáo Thùy Dương là một nhà giáo có đủ kỹ năng, kiến thức, cộng với cảm xúc dồi dào để có thể vừa hát, vừa sáng tác. Có lần, chị tâm sự: “Vốn là cô gái quê lúa Thái Bình, mảnh đất chèo đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi đến với nghệ thuật. Nhưng Thủ đô mới chính là mảnh đất phù sa màu mỡ chắp cánh cho niềm đam mê ấy”.

Cô giáo Thùy Dương và các em nhỏ biểu diễn trong lễ trao giải Cuộc thi Sáng tác ca khúc dành cho học sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị sáng tác đa dạng ở nhiều đề tài, như thầy cô, mái trường, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước..., song đều cất lên tiếng lòng của một cô giáo hết lòng vì ngành giáo dục Thủ đô, luôn mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với các em học trò bé nhỏ. Theo chị, để thăng hoa trong nghệ thuật, đòi hỏi phải có tình yêu, niềm đam mê, những xúc cảm, rung động từ con tim, chứ không phải là sự cứng nhắc của kỹ thuật, học thuật. Bởi thế, khi gặp bất cứ hình ảnh đẹp, xúc động nào đó khiến chị day dứt muốn được trải lòng mình qua giai điệu. “Có thể nói Hà Nội là nguồn dưỡng bất tận để tôi trưởng thành như hôm nay. Tôi được sống với niềm đam mê nghệ thuật, được viết lên những giai điệu đẹp về cuộc đời”, nữ giáo viên trải lòng.

Ngàn bông hoa đẹp

Chiều 15-11, khán giả có mặt tại trường quay Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đã có cơ hội được thưởng thức tiết mục “Hoa sân trường” do chính tác giả - cô giáo Thùy Dương và các em nhỏ Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) biểu diễn. Tiết mục đẹp về giai điệu, ý nghĩa về ca từ, mãn nhãn về phần múa phụ họa. Đặc biệt là ca từ sâu sắc, mang tính triết lý, tổng quát được chiều sâu, chiều rộng của lịch sử Thăng Long cho đến trách nhiệm của thế hệ hôm nay: “Hiên ngang Tháp Bút viết lên trời xanh; Những lời ca ngàn năm vọng về; Tuổi học trò Thủ đô Thăng Long; Xây niềm mơ ước từ trang sách hồng”.

Cô giáo Thùy Dương nhận giải tại Cuộc thi sáng tác ca khúc dành cho học sinh nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Chia sẻ về ca khúc này, cô giáo Thùy Dương cho biết, mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi học trò đều là những bông hoa đẹp ngày ngày hội tụ nơi sân trường, tiêu biểu cho ngành Giáo dục Thủ đô, nối tiếp, phát huy truyền thống cha ông ngàn năm văn hiến. “Hoa sân trường” là những cánh phượng đỏ hay màu tím bằng lăng nhưng nó cũng là tượng trưng cho những gương mặt thầy cô với đàn em thơ ngây đang tung tăng múa hát trong giờ học, giữa giờ chơi, ríu ran, tíu tít sau tiếng trống tan trường...

“Góp phần cùng các loài hoa của nhiều ngành nghề khác nhau, những bông hoa là các thầy cô giáo, các em học sinh ngành Giáo dục Thủ đô nói chung, những bông hoa của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi nói riêng luôn cần mẫn, miệt mài học tập, rèn luyện, thi đua giành kết quả cao trong học tập như những bông hoa đẹp tỏa sắc hương, góp phần dựng xây Thủ đô văn minh, giàu đẹp. “Hoa sân trường“ là ngàn bông hoa của lớp lớp học sinh dâng lên để chào mừng 70 năm ngày thành lập Ngành Giáo dục Thủ đô”, cô giáo Thùy Dương trải lòng.

Nghe và cảm nhận ca khúc này, bà Trần Lưu Hoa, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: “Ca khúc “Hoa sân trường” với ca từ ý nghĩa, mang đến cho học trò bài học giáo dục sâu sắc. Ca khúc đã không chỉ mang lại sự hứng khởi cho các em khi đến trường mà còn đề cao trách nhiệm của thế hệ trẻ nói riêng và Ngành giáo dục Thủ đô nói chung trong việc nối tiếp truyền thống hiếu học ngàn đời nay trên đất Thăng Long”.

Còn nhạc sĩ Lê Minh – người thầy đã đồng hành cùng cô giáo Thùy Dương trong suốt thời gian qua, cho rằng: “Ca khúc “Hoa sân trường” của Thùy Dương đi vào chiều sâu tư tưởng, mang thông điệp, ý nghĩa cao cả, nhân văn với giới học trò cũng như ngành giáo dục. Từ sự lan tỏa tại Cuộc thi này, tôi tin “Hoa sân trường” sẽ được nhiều nhà trường trên địa bàn Thủ đô yêu thích và biểu diễn trong các chương trình văn nghệ”.

NGÔ KHIÊM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.