Khi nói về triết lý giáo dục ở nước ta, một số người thường viện dẫn câu “Tiên học lễ, hậu học văn” có từ thời phong kiến. Tuy nhiên, theo sự phát triển của văn minh xã hội, triết lý này xem ra chưa phù hợp. Trong kỳ họp Quốc hội gần đây, khi thảo luận dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị ngành giáo dục sớm công bố cho xã hội biết triết lý giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thực tế, tuy chưa định danh chính thức triết lý giáo dục vào một câu khẩu hiệu cụ thể, nhưng từ lâu, nền giáo dục cách mạng đã hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam với 4 giá trị đặc trưng là “đức, trí, thể, mỹ”. Nói cụ thể hơn, các hoạt động giáo dục đều tập trung bồi đắp, xây dựng, phát triển nhân cách học sinh có phẩm chất đạo đức tốt, tri thức văn hóa, sức khỏe, trình độ thẩm mỹ. Hiện nay, ngoài 4 yếu tố cơ bản đó, nền giáo dục còn quan tâm trang bị, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người học có một nghề nghiệp phù hợp với khả năng, thực lực, sở trường của mình.

Được biết, UNESCO đã xác định 4 trụ cột giáo dục, gồm: “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình”. Đây được coi là triết lý giáo dục tương đối cô đọng, phù hợp với nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Qua quá trình nghiên cứu và từ thực tiễn hoạt động của mình, gần đây UNESCO bắt đầu đưa vào trụ cột thứ 5 là “Học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn”.

Như vậy, giờ đây việc học không chỉ nhằm nâng cao hiểu biết, tầm nhìn; học để có kiến thức, kỹ năng làm việc; học để cùng chung sống hòa bình, hữu nghị, hợp tác với người khác và dân tộc khác; học để khẳng định những giá trị tồn tại của cá nhân; mà ý nghĩa của việc học đã được mở rộng ở nội hàm mới: Đó là học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn.

Có một điều rất thú vị là, dù người Việt chưa đưa ra triết lý giáo dục “Học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn”, nhưng từ lâu, cha ông ta đã có câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Hàm ý của câu này là càng đi đường xa, càng chịu khó học tập, học hỏi nhiều, chúng ta càng tiếp thu được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống. Cụm từ “học một sàng khôn” cũng chứa đựng ý nghĩa học tập để góp phần thay đổi suy nghĩ, nhận thức, thái độ và hành vi theo hướng tích cực. Tục ngữ Việt còn có câu “Hay học thì sang, hay làm thì có” cũng mang một thông điệp: Chỉ có thông qua, trải qua con đường học hành, chúng ta mới thoát khỏi sự ấu trĩ về nhận thức, non nớt về tư duy, trì trệ về hiểu biết và mới có thể làm giàu trí tuệ, làm sang trọng nhân cách bản thân. Từ đó có thể hiểu rằng, chỉ có ham học mới làm thay đổi cuộc đời của chính mình. Vì vậy, đối với nhân dân ta, nhất là những gia đình nông dân nghèo ở nông thôn, miền núi vẫn thường giáo dục, bảo ban, nhắc nhở con cháu phải cố gắng học lấy “cái chữ”, vì có “cái chữ” mới có thể giúp con người vượt qua được cuộc sống đói nghèo, lạc hậu và hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, văn minh.

Tuy chưa có triết lý giáo dục nhưng thông qua câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và câu “Học khôn đến chết, học nết đến già”, ông cha ta muốn đề cập nội dung học tập phải toàn diện, thời gian học phải thường xuyên, liên tục, học suốt đời thì mới không bị tụt lại phía sau.

Từ những câu tục ngữ của dân tộc Việt Nam về việc học tập đến những trụ cột giáo dục của UNESCO, chúng ta cần sớm tổng kết, đúc rút và đưa ra một triết lý giáo dục Việt Nam hàm súc, cô đọng, chứa đựng cả giá trị văn hóa hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt và những tinh hoa của giáo dục trong thời đại mới. Triết lý giáo dục này đủ sức soi đường cho con đường phát triển giáo dục của nước nhà trong thời gian tới và thấm sâu vào mục tiêu, nguyên lý, phương châm, phương pháp, nội dung dạy và học trong nhà trường các cấp.

ANH THẢO