Các cuộc họp thường có ba phần. Phần đầu là được nghe thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp báo cáo về tình hình học tập, sinh hoạt của trường, lớp, điểm qua những kết quả, thành tích và hạn chế chính, nhắc nhở gia đình, các bậc cha mẹ quan tâm đến việc học và rèn luyện, tu dưỡng của con cháu. Phần này phụ huynh chủ yếu chỉ để ý đến con cháu mình được xếp vào loại nào, giỏi, khá, trung bình hay kém. Nói chung số học khá trở lên chiếm đa số, đặc biệt là ở cấp tiểu học thường có đến xấp xỉ 90% là giỏi. Không biết có phải các lứa học trò bây giờ giỏi giang hơn trước hay chương trình học dễ, thầy cô cho điểm động viên (?); quan trọng là khi thấy con cháu mình có kết quả học tốt thì phụ huynh hài lòng, vui vẻ cả và đó là lý do thứ nhất dẫn đến chuyện ít phát biểu. Phần thứ hai, phần trao đổi ý kiến giữa các bậc phụ huynh với thầy cô ở những cuộc họp này.

Số phụ huynh còn lại là thiểu số. Họ khó có thể nói gì khi kết quả học tập của con cháu mình kém thật. Họ tự ngẫm là con cháu nhà mình vừa dốt vừa lười mà cha mẹ hay ông bà, chú bác chưa có cách dạy dỗ, kèm cặp, đôn đốc chúng. Phụ huynh của vài học sinh cá biệt thì lại càng không thể nói, học sinh đã lười lại hay mất trật tự, trêu chọc, gây gổ với bạn bè…

Phần thứ ba của cuộc họp là thông báo của ban đại diện phụ huynh về thu, chi tài chính của lớp. Phần này do nhiệt tình và trách nhiệm của các thành viên ban này nên nói chung các con số đưa ra là xác đáng, hầu như không phụ huynh nào có ý kiến.

Vậy là tình hình chung xem ra ổn thỏa, xuôi chèo mát mái cả. Nhưng sự thật có phải chỉ diễn ra như thế và không cần có ý kiến gì, trao đổi gì? Rõ ràng lớp ta còn có mặt kém hơn lớp bạn; trường ta có mặt xếp sau trường bạn; môn chính Toán, môn Văn hay môn phụ Sử, Địa, Giáo dục công dân… vì sao học sinh không say mê học? Có nguyên do nào từ trình độ, phương pháp giảng dạy hay sự tận tâm của thầy cô? Rõ ràng số học sinh kém, cá biệt rất cần sự quan tâm bàn bạc giữa thầy cô và gia đình để tìm ra những phương cách phối hợp bồi dưỡng, uốn nắn. Và nữa, việc dạy thêm, học thêm ở trường lớp hay ở nhà, các thầy cô bị dư luận chỉ trích, phê phán nặng thì các trường, lớp đi thuê địa điểm, lập ra các trung tâm dạy thêm ngoài giờ. Sự biến tướng này có cần phải chấn chỉnh? Trong đó có những chuyện phụ huynh không dám có ý kiến và buộc phải cho con cháu mình theo học các lớp ở trung tâm vì sợ thầy cô phân biệt, thậm chí trù dập. Đây cũng là lý do phụ huynh ít dám nói trước yêu cầu của công luận. Ngoài việc im lặng tế nhị này còn có sự tế nhị khác liên quan đến những đóng góp tiền liên hoan lớp, tặng quà giáo viên nhân dịp nọ kia, đặc biệt là tiền lắp thêm quạt máy, điều hòa nhiệt độ, trang bị tăng âm… Ở các vùng nông thôn, miền núi khó khăn không có chuyện này nhưng ở đô thị lại là chuyện phổ biến. Không thể không đóng góp vì đại đa số phụ huynh người ta đóng cả, không nhẽ gia đình mình đứng ngoài… Còn nữa là những nhu cầu rèn luyện kỳ này cho học sinh, chuyện tham quan, chất lượng bữa ăn bán trú…

Vậy đấy, bao điều cần hỏi, cần nói nhưng phụ huynh im lặng. Đó là chỗ yếu của họ mà chắc chắn các nhà trường đều biết. Các cuộc họp phụ huynh ít ỏi trong năm đã vậy thì những phương pháp trao đổi qua “Sổ liên lạc điện tử” họa hoằn làm sao có hiệu quả. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình là quan hệ mật thiết để nâng cao chất lượng giáo dục. Sự phối hợp này cần phải được khắc phục những điểm yếu, lấp những khoảng trống hụt, mở ra sự trọng thị, cởi mở để bớt đi sự im lặng trong phụ huynh, để họ thực sự cùng thầy cô vào cuộc chăm lo việc dạy và học vì con em mình.

NGUYỄN ANH