Chuyện là thế này. Khi trò chuyện, tôi vô tình thắc mắc trong đợt phong hàm Giáo sư và Phó giáo sư gần đây, tôi không thấy tên anh. Bởi tôi biết anh đã bảo vệ luận án tiến sĩ cách đây chục năm, từng là chủ nhiệm đề tài khoa học cấp ngành, nhiều lần là thành viên hội đồng đề tài khoa học cấp Nhà nước, chủ biên trên mười cuốn giáo trình tài liệu, tiêu chí ngoại ngữ đạt chuẩn và hằng năm đều vượt giờ giảng. Ở trường đại học, tôi biết anh cũng là một trong những giảng viên được đông đảo sinh viên yêu mến, đồng nghiệp quý trọng. Anh trả lời tôi bằng nụ cười nhã nhặn: “Đứng trên bục giảng mà gắn danh phó giáo sư cũng cần thiết. Danh vọng ai cũng thích, nhưng theo tôi nghĩ, làm nhà giáo mà mỗi người biết tiết chế lòng ham muốn một chút, cẩn trọng giữ mình, giữ tính tự trọng thì môi trường giáo dục sẽ lành mạnh, nhân văn hơn”.
Nghe lời anh tâm sự, bất chợt tôi nhớ tới câu chuyện của người bạn cũng đang là giảng viên ở một trường đại học khác. Bạn kể rằng, có một số ít giảng viên sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ vài năm, cũng bắt đầu một cuộc “tìm kiếm” để được sở hữu học hàm Phó giáo sư. Trong số người này, người không đủ tiêu chuẩn tiếng Anh thì tìm cách “chạy” giáo viên dạy ngoại ngữ cho đủ số điểm, bằng cấp; người chưa đủ số công trình khoa học thì tìm đường “đi tắt” để đứng chung tên “đồng chủ biên” sách giáo trình, tài liệu với người khác; người chưa có cơ hội nằm trong thành viên hội đồng đề tài khoa học cấp Nhà nước thì nhờ vả những người có uy tín trong khoa học giới thiệu họ vào cho đủ thành phần ban bệ… Mục đích của số tiến sĩ này là có được học hàm Phó giáo sư càng sớm càng có lợi cho bản thân mình. Kể xong chuyện, bạn buông một câu hơi chua xót: “Mang danh tiến sĩ mà đi xin, đi chạy như thế thì đâu còn lòng tự trọng bản thân!”.
Học hàm Giáo sư, Phó giáo sư là chức danh cao quý do Nhà nước phong tặng những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy ở bậc đại học, sau đại học. Đây là phần thưởng ghi nhận những nỗ lực, công lao đóng góp của các giảng viên, các nhà nghiên cứu và cũng là sự ghi nhận của xã hội đối với những người trọn đời tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp “trồng người” và sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Trong khi hầu hết những người được phong tặng chức danh này được đồng nghiệp, đồng môn và sinh viên trân quý vì đã có những cống hiến xứng đáng trong nghề nghiệp, thì vẫn có một số ít người chưa đủ tiêu chí, chưa đạt tiêu chuẩn vẫn tìm mọi cách để được gắn cái "mác” phó giáo sư cho thêm “oai” bản thân.
Sinh thời, Các Mác nói một câu đại ý: Người đi giáo dục thì trước hết phải được giáo dục kỹ lưỡng. Với những người đã sở hữu học vị Tiến sĩ mà đứng trên bục giảng, thì lòng tự trọng với bản thân, với nghề nghiệp của họ nhất thiết phải được đặt lên hàng đầu. Bởi lòng tự trọng là cội nguồn, là xuất phát điểm để làm cho mỗi lời nói, lời giảng, lời giáo dục của họ luôn có sức thuyết phục, lan tỏa, thẩm thấu vào con tim, khối óc các em học sinh, sinh viên. Học vị, học hàm đối với người đứng trên bục giảng cũng cần thiết, nhưng sự trong sáng trong đạo đức, tâm hồn của họ mới là điều đáng trọng, đáng quý.
PHÚC NỘI