Trường học đầu đời của trẻ chính là gia đình. Không có sự bao bọc từ gia đình, không có được sự chăm sóc, thương yêu của cha mẹ cùng người thân đều là sự bất hạnh cho trẻ.

Người xưa có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, cách sống của cha mẹ sẽ trở thành yếu tố giáo dục quan trọng nhất đối với con cái. Trẻ em cần hơi ấm của cha mẹ, vì vậy hãy cố gắng và tìm mọi cách giao tiếp với trẻ càng nhiều càng tốt. Dạy con đúng đắn là món quà vô giá mà bố mẹ trân quý tặng con. Xã hội thay đổi nhanh chóng, nhận thức giữa các thế hệ trong gia đình ngày càng có khoảng cách; nhiều vấn đề chúng ta không tự giải quyết bằng cách truyền thống. Do đó, gia đình cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, như các thầy cô giáo hay các chuyên gia tư vấn.

Tuy nhiên, cha mẹ hoàn toàn có thể trở thành các chuyên gia, nếu biết giáo dục con bằng những quy tắc gia đình. Quy tắc ấy vận dụng dựa trên các quy định xã hội, các định ước mang tính truyền thống của địa phương, dân tộc. Bản chất quy tắc là nếp nhà, là nét đẹp truyền thống của gia đình Việt, thể hiện ý nghĩa đặc trưng, khác biệt của “nhà nào con nấy”. Người ta coi 10 quy tắc cơ bản dưới đây có vai trò thiết yếu để giáo dục con cái, bao gồm: Chào hỏi-văn hóa tối thiểu của mỗi người; nói dối-thói quen xấu cần loại bỏ; luôn đúng giờ để giữ niềm tin và tôn trọng mình; hãy nhận lỗi để sửa lỗi; biết quý trọng và tiết kiệm thức ăn; học cách bao dung; có mơ ước và đam mê vì nó; tính mạng con người là trên hết; cởi mở với bố mẹ; tôn trọng quy định nơi công cộng, không ai có thể sống một mình.

Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, quy định nhà nước chỉ là phần ngọn, giáo dục ở gia đình mới là gốc và cần làm rất sớm, ngay khi trẻ chưa cắp sách tới trường. Cần tập cho trẻ quen sự chịu đựng để thích ứng. Khen kịp thời khi con làm việc tốt. Hãy đứng trên lập trường của con để suy ngẫm, không làm tổn thương thân thể và trái tim con. Cùng với đó, giáo dục kỹ năng sống, kết hợp dạy cách học cho con. Đây không phải là nhiệm vụ của nhà trường mà là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi gia đình với con cái.

Sự hợp tác trong công việc gia đình giúp trẻ quý trọng thành quả lao động. Vui chơi là “công việc” của trẻ em, giúp trẻ lớn lên. Vì vậy, hãy cho trẻ thường xuyên được trải nghiệm, vui chơi thật nhiều với thiên nhiên. Nó quan trọng với sự trưởng thành về tâm hồn trẻ thơ, kích thích các giác quan. Không thích vui chơi ngoài trời, ắt dẫn đến con nghiện ti vi, mê trò chơi điện tử hoặc những trò chơi không có lợi khác.

Một điều quan trọng là cha mẹ không được so sánh con mình với con người khác. Mỗi đứa trẻ là một thế giới khác nhau, bình đẳng về tiềm tàng trí tuệ và phẩm chất. Giáo dục không nóng vội, cần từ từ và tương ứng với sự phát triển, nhất là cá tính của trẻ. Thay vì so sánh rồi lo lắng, các bậc cha mẹ hãy tin rằng, bất cứ đứa trẻ nào cũng có cá tính và sự phát triển riêng để có thể nuôi dạy và phát triển con tốt nhất. Hãy yêu thương và tôn trọng con, cá tính vốn có của con.

Chúng ta xác định giáo dục ở gia đình phải có mục đích, cần như thế nào để con trẻ của chúng ta phát triển đúng hướng. Có thể thay “con ngoan” thành “con bản lĩnh” và “trò giỏi” thành “trò sáng tạo” theo xu hướng đổi mới giáo dục ngày nay. Trẻ em là tương lai của cha mẹ, gia đình và của xã hội. Gia đình hãy dạy dỗ và uốn nắn các em về mặt nhân bản cũng như mặt đức tin ngay từ thuở ấu thơ.

ĐẶNG TỰ ÂN

 (Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo)